URC Việt Nam: Kẻ hưởng lợi nhiều nhất khi Tân Hiệp Phát dính vụ "con ruồi trong chai nước"
Chỉ sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, URC từ kẻ đi sau yếu thế đã trở thành ông lớn chiếm giữ thị phần lớn thứ hai trong nhóm các doanh nghiệp kinh doanh trà xanh đóng chai, chia sẻ miêng bánh lớn trên thị trường nước giải khát giá trị tới 100.000 tỷ đồng.
- 21-05-2016Bộ Y tế yêu cầu URC Việt Nam ngừng lưu thông 3 lô C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì
- 14-05-2016URC VN phủ nhận cáo buộc liên quan đến nghi án hối lộ 1 tỷ đồng
- 11-05-2016URC Việt Nam nói gì về kết quả kiểm nghiệm "nhiễm độc chì" trong chai C2?
Được thành lập vào năm 1954, là một nhánh kinh doanh của Universal Corn Products - tiền thân là một công ty sản xuất bột ngô tại thành phố Pasig, Philippines - Universal Robina Corporation ( URC ) ngày nay được biết đến là một trong những hãng kinh doanh nước giải khát đóng chai và đồ ăn nhanh hàng đầu Đông Nam Á.
Xuất phát điểm chỉ kinh doanh về ngành đồ uống, với các sản phẩm chủ lực là trà xanh C2 , nước tăng lực đóng chai Rồng Đỏ, cà phê... URC dần mở rộng và tham gia vào nhiều lĩnh vực trong kinh doanh thực phẩm. Các sản phẩm của URC hiện gồm hàng tiêu dùng, các mặt hàng nhựa, snack, bánh kẹo hiệu Jack n' Jill, các sản phẩm cà chua Hunt, mì ăn liền Payless và mì ăn liền Nissin Cup. Mì ăn liền được sản xuất với sự hợp tác của công ty thực phẩm Nissin Foods, Nhật Bản.
Tập đoàn này được điều hành bởi tỷ phú giàu thứ hai tại Philippine John Gokongwei, Jr, người đang sở hữu khoảng 6,8 tỷ USD, đã bước sang tuổi 88. Ông có cổ phần tại công ty bán lẻ Robinson Retail Holdings và nhượng quyền thương mại của các nhãn hiệu lớn như True Value, Top Shop, Toys R Us, Daiso. Các thành viên khác trong gia đình Gokongwei như anh trai là James Go điều hành JG Summit, con trai Lance là chủ tịch URC và con gái Lisa là lãnh đạo của Summit Media, sở hữu hơn 20 thương hiệu tạp chí, trong đó có cả Forbes Philippines.
Thị trường chính của URC là các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc. Dự kiến, công ty này sẽ mở rộng thêm các thị trường Myanmar, Lào và Campuchia, sau khi có thêm được thị phần tại các khu vực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ghana và Nigeria.
Tháng 4/2006, URC bước vào thị trường Việt Nam, mang theo sản phẩm chủ lực của họ là trà xanh C2. Phân khúc trà xanh khi đó nằm chủ yếu trong tay Tân Hiệp Phát (chiếm 60% thị trường) Năm 2010, URC quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong kế hoạch phát triển chung với các nước Đông Nam Á trị giá 4 tỷ peso (gần 90 triệu USD). Chủ tịch Công ty Lance Gokongwei khi đó cho biết, URC sẽ nâng sản lượng tại Việt Nam thêm 70% bằng việc mở rộng nhà máy tại TP HCM và hoàn thành một nhà máy mới tại Hà Nội để sản xuất C2 ngay tại Việt Nam.
Chiến lược đưa C2 thâm nhập thị trường Việt Nam đã mang tới thành công cho ông lớn đa ngành của Philippines. Ảnh: URC.
Tính đến cuối năm 2015, công ty URC Việt Nam có 4 nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Bình Dương, một nhà máy ở Hà Nội và một nhà máy ở VSIP Quảng Ngãi. Các thương hiệu chính được phát triển bao gồm trà xanh C2, trà hoa cúc C2 COOL, nước tăng lực Rồng Đỏ, nước ép trái cây Jus, Bánh Cream-O, Magic, Piatos, Funbite, kẹo Dynamite.
Các khoản đầu tư của URC nhanh chóng tạo nên cú huých cho thương hiệu này tại Việt Nam. Từ một kẻ đi sau yếu thế, phải cạnh tranh với cả ông lớn Tân Hiệp Phát và hai tên tuổi nổi tiếng thế giới là Coca-Cola và PepsiCo, C2 nhanh chóng trở thành người chiếm "miếng bánh" lớn thứ hai ở thị trường với 22% (năm 2013).
Thị trường trà xanh đóng chai không có nhiều đối thủ cạnh tranh, và với nguồn lực dồi dào, C2 đã chiếm lấy vị trí thứ 2 trong thị trường này, đồng thời nằm trong Top 5 nhà sản xuất đồ uống và có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Báo cáo thường niên năm 2015 của tập đoàn này cho thấy một bức tranh sáng sủa trong kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, mảng kinh doanh thực phẩm đóng gói của tập đoàn tăng mạnh nhất tại các thị trường Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Nếu tính cả các sản phẩm nước đóng chai, doanh thu bán hàng tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam năm 2015 đã tăng 52,7% so với con số cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,8 tỷ Peso. Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường nước ngoài đầu tiên của ông lớn đồ uống Philippine mà sản phẩm C2 đang cạnh tranh "ngôi vua" trong ngành trà xanh, còn Rồng đỏ có mức tăng trường ngoạn mục.
Trong năm ngoái, DN đang đứng đầu thị trường trà xanh đóng chai là Tân Hiệp Phát bị dính vào vụ bê bối "con ruồi trong chai nước", URC là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất khi đối thủ lớn nhất trên thị trường tự bắn vào chân mình.
Trong đóng góp vào doanh thu tập đoàn, nhóm công ty thuộc BCFG (trong đó có Việt Nam) chiếm tới 84%, và đóng góp 77% vào lợi nhuận. Tổng lợi nhuận của URC năm 2015 đạt 17 tỷ Peso, tăng 23% so với năm 2014.
Những tai tiếng tại Việt Nam
Dù tăng trưởng khá nhanh tại Việt Nam, nhưng URC cũng để xảy ra không ít tai tiếng. Tháng 10/2015, một nhà máy của URC có giá trị 38 triệu USD với mục tiêu mở rộng, nâng công suất bánh snack từ 3.485 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm, công suất nước giải khát từ 160.000 tấn/năm lên 295.000 tấn/năm được phát hiện xây dựng không phép tại Thạch Thất, Hà Nội.
Cũng giống như nhiều loại thức uống giải khát khác trên thị trường, URC cũng dính vào nhiều thông tin về dị vật trong chai, nhưng chưa bao gờ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng như Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2016, mẫu kiểm nghiệm nguyên liệu tạo vị chua của URC tại Việt Nam do Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đưa ra cho thấy hàm lượng chì vượt mức công bố. Sau đó, ngày 20/5, 3 lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ được sản xuất tại chính nhà máy không phép này bị Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu thông cũng vì liên quan đến hàm lượng chì trong sản phẩm.
Cafebiz/TTVN