USD giảm 6 phiên liên tiếp, Euro cao nhất 7 tuần
Đồng USD giảm 6 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi mất giá dài nhất trong 2,5 năm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ tiến gần đến thời điểm tăng lãi suất ngắt quãng, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Anh đẩy mạnh với việc tăng lãi suất hơn nữa.
Trong kỳ họp tháng 3 này, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đúng như dự kiến của thị trường, bất chấp các biến động gần đây với ngành ngân hàng toàn cầu. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022, lên 4,75-5%, cao nhất kể từ tháng 9/2007.
Tuy nhiên, trong kỳ họp này, Fed không nhắc lại tuyên bố về việc "tăng liên tục" là cần thiết để ủng hộ "một số mức tăng bổ sung", vì họ đang theo dõi mức độ tác động của việc tăng lãi suất đối với lĩnh vực ngân hàng nói riêng và với nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 16/3 đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nhiều gấp đôi mức tăng của Fed. Đây là lần thứ 6 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7 năm ngoái.
Các thương nhân đặt cược vào việc Fed tiếp tục tăng lãi suất do giảm bớt lo ngại về khủng hoảng ngân hàng
Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu thu hẹp lại đã khiến đồng euro tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần, là 1,0930 USD trong phiên 23/3, cũng là phiên thứ 6 liên tiếp EUR tăng.
Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA, cho biết việc Fed tăng lãi suất đặc biệt đáng chú ý khi thị trường tài chính bị xáo trộn trong thời gian gần đây.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Tư (21/3) cho biết dòng tiền gửi đã ổn định trong tuần trước.
“Dường như không nhất thiết phải chuyển tài sản đến nơi an toàn,” ông Perez nói. "Thực sự có cảm giác rằng nếu thế giới ngân hàng đang hoạt động tốt, và thế giới ngân hàng sẽ được cứu trợ mỗi khi nó gặp khó khăn, thì mọi thứ nói chung sẽ tồn tại và ổn thỏa."
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – phiên 22/3 đã giảm 0,166% xuống 102,250, là phiên giảm thứ 6 liên tiếp – chuỗi giảm giá kéo dài nhất kể từ tháng 9/2021.
Brian Daingerfield, người phụ trách bộ phận chiến lược tiền tệ nhóm G10 của NatWest Markets, cho biết sự thay đổi giọng điệu của Fed khiến thị trường ít có khả năng quay trở lại lo lắng rằng dữ liệu kinh tế mạnh sẽ đẩy lãi suất tăng cao.
Ông nói: “Từ góc độ ngoại hối, chúng tôi cho rằng điều đó có thể gây ra sự suy yếu hơn nữa của đồng đô la khi mức đỉnh lãi suất của chu kỳ này rõ ràng đã được Fed hạ xuống”.
Các nhà đầu tư đang băn khoăn không biết liệu các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục thắt chặt chính sách hay không sau khi một vài công ty cho vay của Mỹ hồi đầu tháng 3 phá sản. Và câu trả lời gần như đã có.
Ngân hàng trung ương Anh hôm 22/3 đã tăng chi phí đi vay thêm 25 điểm cơ bản, phù hợp với dự đoán của thị trường, và cho biết sẽ cần thắt chặt hơn nữa nếu có bằng chứng về việc lạm phát sẽ còn dai dẳng.
Đồng bảng Anh kết thúc phiên vừa qua đã tăng 0,24% so với đồng USD lên 1,2299 USD/GBP, sau khi trước đó có lúc chạm mức cao nhất 7 tuần, là 1,2341 USD.
Trước đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản khi họ nỗ lực tìm cách cân bằng việc giải quyết lạm phát với những lo ngại về bất ổn thị trường tài chính, đồng thời nhắc lại rằng họ sẵn sàng hoạt động tích cực trên thị trường ngoại hối.
SNB cho biết các biện pháp được chính quyền công bố vào cuối tuần liên quan đến Credit Suisse đã giúp "chấm dứt khủng hoảng".
Đồng USD phiên vừa qua đã giảm so với đồng franc Thụy Sỹ, kết thúc ở mức giảm 0,31% xuống 0,915 CHF/USD.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường
- Lãi suất cao, dòng tiền đổ mạnh vào chứng chỉ tiền gửi
- Tiền đã rẻ hơn nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn ngập ngừng?
- Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất từ ngày 3/4, nhiều nhà băng còn giảm cả kỳ hạn trên 6 tháng
- Giá vàng SJC giảm, nhà đầu tư nên mua hay bán?
- Lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng chính thức giảm từ hôm nay 3/4