USD lên mức cao nhất 3 năm so với yen Nhật, Bitcoin vượt 57.000 USD
Thị trường tiền tệ thế giới tiếp tục biến động mạnh trước áp lực lạm phát toàn cầu.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm so với yen Nhật do các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng tới sẽ thông báo giảm lượng mua trái phiếu chính phủ, mặc dù số liệu việc làm của nước này không đạt kỳ vọng.
Dữ liệu việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ công bố hôm thứ Sáu (8/10) cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 9/2021 là 194.000, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tư nhân của nước này đã có thêm 568.000 việc làm trong tháng 9/2021, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 425.000 việc làm.
Bên cạnh đó, dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 được điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng, cho thấy nước Mỹ giờ đã đến lúc lo ngại về tình trạng thiếu lao động, từ đó làm gia tăng lo ngại về lạm phát - lý do để Fed có thể giảm kích thích kinh tế khẩn cấp.
Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng lên sau báo cáo về thị trường việc làm Mỹ, gây áp lực giảm giá đồng yen - vốn rất nhạy cảm với sự chênh lệch lãi suất. Theo đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 tháng đã tăng lên 1,617%, mức cao nhất trong vòng 4 tháng.
Đồng yen ngày 11/10 đã giảm xuống 112,84 JPY/USD, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm 2018.
Đồng yen Nhật cũng bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá so với các loại tiền tệ có độ rủi ro cao hơn như bảng Anh và đô la Australia - hai đồng tiền đều tăng nhẹ so với đồng bạc xanh, khiến chỉ số Dollar index giảm xuống 94,137, nhưng vẫn không xa so với mức cao nhất mọt năm là 94.504 đã chạm vào đầu tháng này.
Joel Kruger, chiến lược gia tiền tệ thuộc LMAX, cho biết đồng yên còn chịu thêm áp lực giảm giá bởi giá dầu đang trên đà tăng lên, bởi Nhật Bản là nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ. Bên cạnh đó, sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa nhân hàng trung ương Nhật Bản và ngân hàng trung ương Mỹ ngày càng tăng lên cũng khiến cho đồng yen gặp khó khăn trong việc giữ vững giá trị.
Theo ông Kruger: "Đồng yên đã chứng kiến áp lực bán rộng rãi trong ngày thứ 3 liên tiếp. Điều đó phản ánh sự hồi phục của thị trường chứng khoán Nhật Bản, trong bối cảnh tâm lý chung của nhà đầu tư là tin rằng Thủ tướng Kishida sẽ gia tăng kích thích kinh tế".
Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, kéo dài đà phục hồi từ mức thấp nhất trong 6 tuần ở tuần trước.
Chứng khoán Nhật Bản khởi sắc một phần bởi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông sẽ ưu tiên tăng lương thông qua các ưu đãi thuế, thay vì áp đặt mức thuế cao hơn đối với lãi vốn và cổ tức, để giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập ở Nhật Bản.
Shinichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Barclays cho biết: "Mặc dù dữ liệu việc làm của Mỹ không tốt, song nếu xem xét chi tiết thì triển vọng vẫn vững chắc và không thấy điều gì có thể ngăn Fed giảm bớt kích thích kinh tế vào tháng tới".
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày 11/10 tương đối ổn định trước một số thông tin cả tốt và xấu liên quan đến công ty phát triển bất động sản China Evergrande. Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế ở mức 6,4370 CNY/USD, tăng so với mức thấp gần đây, nhưng vẫn thấp hơn mức cao 6,422 CNY đạt được vào tháng 9.
Đồng đô la Australia tăng nhẹ lên gần mức cao nhất một tháng nhờ giá hàng hóa tăng mạnh và việc thành phố lớn nhất của nước này, Sydney, mở cửa một phần sau đại dịch Covd-19.
Mối quan tâm về lạm phát không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới do sự gián đoạn nguồn cung và giá hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.
Đồng bảng Anh giữ vững ở mức 1,3634 USD sau những phiên hồi phục từ mức thấp nhất chín tháng chạm tới hồi cuối tháng 9 do thị trường ngày càng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Đồng đô la Canada giảm nhẹ về 1,2450 CAD, sau khi đạt mức cao nhất 2 tháng, là 1,24465 CAD, nhờ dữ liệu việc làm của nước này mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên và giá dầu cao ngất ngưởng.
Đồng euro ngày 11/10 ở mức 1,1575 USD, không xa mấy so với mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, là 1,1529 USD chạm tới hôm 6/10.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục đà tăng, thêm 3,5% trong ngày 11/10 lên 57.092 USD, trong khi ether cũng tăng 5% lên 3.620 USD.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ do USD vững trước dự báo Fed sẽ giảm kích thích kinh tế. Cuối chiều 11/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.752,68 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,2% xuống 1.753,20 USD.
Nhà phân tích Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money cho biết vàng đang chịu một số "áp lực giảm giá" sau khi không thể giữ vững mức tăng hôm thứ Sáu (8/10). Tuy nhiên, theo ông thì việc giá giữ vững trên 1.750 USD/ounce là một điều đáng mừng, cho thấy sẽ không có biến động lớn trên thị trường này.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk