USD chững lại, Bitcoin mất mốc 17.000 USD, thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất của Fed
Đồng đô la Mỹ gần như không thay đổi so với đồng euro và đồng yên vào thứ Ba (6/12) sau khi tăng mạnh vào ngày hôm trước, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang cố gắng dự đoán về mức độ tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định vào tuần tới.
- 06-12-2022Lãi suất cho vay mua nhà tiếp tục tăng mạnh
- 06-12-2022Thủ tướng: Điều chỉnh hạn mức tín dụng là hợp lý
Dữ liệu hôm 5/12 cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 11 đã thúc đẩy suy đoán Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến gần đây. Các thương nhân hiện đang kỳ vọng Fed sẽ tăng nửa điểm vào tuần tới và cho rằng lãi suất cuối kỳ chỉ là trên 5% vào tháng 5/2023.
Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex - ở New York, cho biết: "Không có nhiều thông tin mới", "Giá đã tăng mạnh trong phiên thứ Hai (5/12) và chúng tôi chỉ đang dự đoán theo hướng USD tăng", với trọng tâm là cuộc họp của Fed vào tuần tới.
Cũng trong tuần tới sẽ có một số dữ liệu được công bố, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11.
Ông Chandler cho biết tâm lý nhà đầu tư dường như cũng đang thay đổi. "Trước đây, dường như mọi người sẵn sàng mua đồng đô la lúc giảm giá, và bây giờ họ có vẻ nhiệt tình hơn trong việc bán đồng đô la khi tăng giá."
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam ở mức 105,34, chỉ tăng 0,12% so với phiên liền trước. Mặc dù vậy, DXY vẫn tăng khoảng 10% trong năm nay.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ sẽ quyết định chính sách tiền tệ vào ngày 15 tháng 12. Các nhà giao dịch hiện kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm, lên 4,25-4,5%, và lãi suất cuối kỳ chỉ trên 5% vào tháng 5/2023.
Nhà phân tích tiền tệ You-Na Park-Heger của Commerzbank cho biết: "Nền kinh tế Mỹ càng mạnh mẽ thì càng có nhiều nghi ngờ về việc liệu họ có thực sự phải đối mặt với suy thoái vào năm tới hay không và liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thực sự cắt giảm lãi suất cơ bản vào giai đoạn đó hay không"?
Đồng đô la Úc tăng 0,46% lên 0,6729 USD, phục hồi phần nào mức giảm 1,4% hôm thứ Hai khi RBA cho biết họ không nằm trong lộ trình định sẵn để thắt chặt chính sách nhưng lạm phát vẫn cao.
Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới City Index ở Brisbane, cho biết: "Mặc dù RBA đã công khai nói về việc tạm dừng, nhưng chúng tôi có thể không tiến gần đến mức tạm dừng như tôi nghĩ ban đầu".
Đồng euro cũng gần như không thay đổi so với USD trong phiên vừa qua, ở mức 1,0492 USD/EUR, trong khi đồng đô la giảm nhẹ 0,1% so với đồng yên Nhật.
Nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu Constantinos Herodotou cho biết lãi suất sẽ tăng trở lại nhưng hiện đang ở "rất gần" mức trung lập.
Các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức phục hồi nhiều hơn dự kiến trong tháng 10. Mặc dù vậy, điều đó cũng không hỗ trợ được cho euro tăng giá mạnh.
Đô la Úc giảm 0,1% xuống 0,6690 USD. Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) tăng lãi suất lần thứ 8 trong vòng nhiều tháng và cho biết họ không theo lộ trình định sẵn là chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng hiện lạm phát của Úc vẫn ở mức cao.
Đồng đô la tăng 0,6% so với đô la Canada trước khi Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) dự kiến sẽ quyết định tăng lãi suất vào thứ Tư (7/12). Các thương nhân đang định giá 73,3% khả năng BoC sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, mặc dù phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến đang mong đợi mức tăng lãi suất là 50 điểm cơ bản.
Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối của ING cho biết mức giá trần của phương Tây đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, có hiệu lực vào ngày 5/12, có thể sớm bắt đầu cho thấy tác động đối với thị trường năng lượng.
Ông nói: "Khi cộng thêm việc châu Âu dự kiến giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ, khả năng giá năng lượng sẽ có một đợt tăng giá mới nữa là rất thấp, nên không hỗ trợ được cho đồng euro – dễ gặp rủi ro.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lao dốc trong phiên vừa qua khi đồng đô la tăng mạnh, trong bối cảnh thị trường thận trọng cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể diễn ra từ từ và gập ghềnh ngay cả khi Bắc Kinh nới lỏng các chính sách nghiêm ngặt về COVID.
Đồng nhân dân tệ giao ngay trên thị trường nội địa giảm 0,2% xuống 6,9738 CNY/USD, mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc áp tỷ lệ lãi suất tham chiếu ở mức cao nhất trong hai tháng.
Tuy nhiên, đồng tiền của Trung Quốc đã tăng gần 5% so với đồng đô la kể từ tháng 11 do kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng sẽ mở cửa trở lại.
Một số nhà phân tích lập luận rằng bất chấp sự phục hồi gần đây được kích hoạt bởi hy vọng mở cửa trở lại nền kinh tế, đồng nhân dân tệ sẽ vẫn chịu áp lực giảm giá trong năm tới.
Trên thị trường tiền điện tử, tăng giá chưa lâu, Bitcoin phiên vừa qua quay đầu giảm xuống 16.961 USD vào lúc kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam. Các nhà đầu tư vào tiền ảo đang có tâm lý rất chán nản, nhiều người muốn từ bỏ hẳn việc đầu tư vào thị trường này.
Giá Bitcoin ngày 6/12.
Giá vàng tăng sau khi USD ngừng tăng mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong bối cảnh các nhà giao dịch đang chờ đợi quyết định lãi suất của Fed.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt nam tăng 0,2% lên 1.771,60 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 0,1% lên 1.783,70 USD.
Ole Hansen, người phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, cho biết: "Vàng vẫn bị ràng buộc với đồng đô la".
Dữ liệu ngành dịch vụ của Mỹ tốt hơn mong đợi đã khiến các nhà đầu tư hoang mang và làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
Do đó, giá vàng thỏi đã giảm từ mức cao nhất trong 5 tháng khi đồng đô la phục hồi sau dữ liệu của Mỹ. Nhưng kể từ đó, đồng đô la đã mất giá, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với người mua ở nước ngoài.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường