MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên các nguồn lực phát triển thủ đô

29-06-2024 - 09:29 AM | Bất động sản

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định nhiều chính sách mới, cơ chế đặc thù để thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển, thật sự xứng đáng là trái tim của cả nước

Sáng 28-6, Quốc hội (QH) khóa XV chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trong đó có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tổ chức chính quyền thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Luật quy định chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, luật đã quy định không tổ chức HĐND cấp phường tại thủ đô.

TP Hà Nội được bầu 125 đại biểu (ĐB) HĐND thành phố, trong đó có ít nhất 25% tổng số ĐB hoạt động chuyên trách (tăng 30 ĐB so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 1 phó chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).

Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở thủ đô.

Đối với UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) Ảnh: LÂM HIỂN

Luật cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch thủ đô và quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Luật cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, được ưu tiên áp dụng mô hình TOD. Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết ông ủng hộ tuyệt đối những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi thủ đô là trái tim của đất nước nên cần phải có những cơ chế hết sức đặc thù. Theo ông, cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ để thủ đô kịp thời đưa ra quyết sách mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến của Chính phủ.

Cân nhắc quy định khoáng sản không đấu giá

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhìn nhận báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho thấy việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng tỉ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp.

Theo ông Hậu, trả lời chất vấn của ông ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh giải thích tỉ lệ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp là vì bộ thực hiện theo đúng Nghị định 158/2016. 

Nghị định này quy định 7 trường hợp không đấu giá và Bộ TN-MT sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, điều 104 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, quy định rộng hơn và khái quát hơn, đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và quyết định.

"Chưa biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định và quyết định thế nào nhưng nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ TN-MT và các địa phương sẽ khó chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh băn khoăn.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại điều 104 về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định 5 tiêu chí của khu vực không đấu giá. Trong đó có 3 tiêu chí cụ thể (kế thừa từ Nghị định 158) gồm: khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản; khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh. Hai tiêu chí không đấu giá còn lại gồm trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định và trường hợp quy định tại quy định chi tiết của Chính phủ về điều 104.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc kỹ các quy định về khu vực khoáng sản không đấu giá và nên giải trình cụ thể vì sao không đấu giá. Đối với tiêu chí "trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định", ĐB Hòa cho rằng quy định như vậy không rõ ràng, cần có giải trình rõ.

Hôm nay, 29-6, QH biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cùng một số luật, nghị quyết khác, sau đó họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 7. 

Quốc hội đồng ý làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Sáng cùng ngày, QH thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Dự án có chiều dài khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 10.536,5 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.233,5 tỉ đồng, vốn do nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỉ đồng. QH thống nhất tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.


Theo Văn Duẩn - Huy Thanh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên