MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên phát triển của VPBank sau đại dịch Covid-19

14-05-2020 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể giảm trong năm 2020 và ngân hàng cũng sẽ không quá tập trung vào tối ưu hóa NIM.

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank có thể trở lại với các mục tiêu tham vọng hơn vào năm 2021, còn trước mắt, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo tình hình thu hồi nợ, quản lý nợ xấu tốt và tối ưu chi phí.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 khả quan với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 9.906 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.911 tỷ đồng, tăng 63,3%.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59% tại cuối quý 1/2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%. Ngân hàng cũng thể hiện chính sách trích lập dự phòng thận trọng với 3.712 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Riêng ngân hàng mẹ, chi phí dự phòng cho vay khách hàng tăng gần 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thận trọng và đảm bảo an toàn cũng là thông điệp mà ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhấn mạnh trong cuộc họp với nhà đầu tư. Để ứng phó với Covid-19, VPBank đã xây dựng kịch bản phát triển A, B và C, tương ứng với từng mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thôi áp dụng giãn cách xã hội, tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng rất khả quan khi đã gần 1 tháng không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VPBank cho biết vẫn đang tập trung vào các kế hoạch đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thanh khoản cho hệ thống.

"Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng cho điều xấu nhất. Trước khi nói tới tăng trưởng, để ngân hàng trụ vững vượt qua giai đoạn này vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Vinh chia sẻ.

Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của VPBank, cho biết ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu, ngân hàng đã lập ra các phương án đảm bảo hoạt động liên tục bất kể điều gì xảy ra.

Để làm được như vậy, tất cả các đơn vị trọng yếu như thanh toán, công nghệ thông tin cần duy trì hoạt động liên tục cho hơn 200 chi nhánh của ngân hàng, kể cả trong kịch bản có nhân viên ngân hàng bị nhiễm bệnh hay hội sở bị phong tỏa.

Song song với đó, ngân hàng đảm bảo duy trì thời gian dự trữ thanh khoản tốt. Kể cả khi diễn biến xấu nhất xảy ra, 60% khách hàng không trả nợ đồng thời có một số lượng lớn khách hàng rút tiền gửi, thời gian này vẫn có thể kéo dài hai tuần.

Với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, VPBank giữ vị trí thận trọng. Đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank ngừng một phần cho vay khách hàng mới, tập trung bán chéo và phục vụ khách hàng hiện hữu có rủi ro thấp. Đối với khối doanh nghiệp lớn, VPBank tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng với những khách hàng bị ảnh hưởng, qua đó giúp tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.

Một ưu tiên khác của ngân hàng bên cạnh tăng trưởng đó là hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dưới sự hướng dẫn của NHNN, VPBank đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Trong đó, nhóm khách hàng được tái cấu trúc chủ yếu là cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ưu tiên phát triển của VPBank sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng giúp VPBank bước đầu vượt qua giai đoạn khó khăn trong quý 1. Tuy nhiên, ông Vinh nhận định, Covid-19 sẽ còn tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian dài tới, kể cả sau khi đại dịch này kết thúc.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ quay trở lại nhịp sống như trước trong quý 2. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là tất cả phân khúc đều sẽ tăng trưởng. Rõ ràng, một số mảng kinh doanh như doanh nghiệp siêu nhỏ, tài chính tiêu dùng, khách hàng tiểu thương sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh như kế hoạch ban đầu", ông Vinh nhấn mạnh.

Đại diện VPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể giảm trong năm 2020 và ngân hàng cũng sẽ không quá tập trung vào tối ưu hóa NIM. VPBank có thể trở lại với các mục tiêu tham vọng hơn vào năm 2021, còn trước mắt, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo tình hình thu hồi nợ, quản lý nợ xấu tốt và tối ưu chi phí.

Ưu tiên phát triển của VPBank sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ngày từ quý 1 vừa qua, VPBank cho thấy động thái cắt giảm chi phí quyết liệt. Tính đến cuối quý 1, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank chỉ ở mức 33,1%, giảm từ mức 33,9% thời điểm cuối năm 2019. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tinh giản các hoạt động để CIR giảm thêm 1% nữa trong năm nay. Nhờ tiết giảm chi phí, ngân hàng vẫn duy trì được mức lợi nhuận cao trong nhóm đầu ngành.

"Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng mẹ trong năm nay được có thể vẫn tăng ở mức 30% – 40% nhờ chiến lược ngân hàng giao dịch. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ cũng sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm trước. Với FE Credit, hoạt động cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn nên chỉ tiêu kỳ vọng cho FE cũng thận trọng hơn," ông Vinh chia sẻ.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên