Ưu tiên xử lý hành chính, khắc phục hậu quả trước khi xử lý hình sự các vi phạm pháp luật trong ngân hàng
Nội dung trên được đề cập trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- 25-07-2017Xử lý nợ xấu: Ngân hàng lo nhất điều gì?
- 25-07-2017Chính phủ “lo” rủi ro tín dụng với BOT giao thông
- 25-07-2017Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định chính sách lãi suất USD ở 0%?
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn từ 2016 – 2020. Đề án này là giai đoạn 2 của hoạt động tái cơ cấu, sau Đề án 254 kết thúc năm 2016.
Mục tiêu của đề án đúng như tên gọi của Đề án này, đó là tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu; giảm số lượng TCTD yếu kém, tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống. Phấn đấu đến năm 2020 có 12 – 15 ngân hàng đáp ứng được chuẩn Basel II, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Đề án đưa ra 8 nguyên tắc cơ bản. Trong số các nguyên tắc có nguyên tắc số 5 đáng chú ý liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm sẽ ưu tiên bảo vệ quyền của chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự, hành chính trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự.
Trong quá trình xác định trách nhiệm gây ra tổn thất, cần làm rõ những tổn thất phát sinh do nguyên nhân khách quan và tổn thất do cố ý làm trái quy định của pháp luật.
Nguyên tắc số 5 cũng chỉ rõ có cơ chế phù hợp bảo vệ cán bộ, công chức được giao xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Ngoài ra ở nguyên tắc thứ 6, Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các định chế tài chính nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.