Ủy ban Chứng khoán Mỹ tạm ngừng chấp thuận doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu
Doanh nghiệp Trung Quốc chỉ IPO được trên sàn Mỹ cho đến khi họ công bố được rõ ràng hơn những rủi ro mà các cổ đông có thể phải đối mặt khi đầu tư vào những cổ phiếu này.
- 31-07-2021Một tuần "tắm máu" của chứng khoán Trung Quốc hé lộ rủi ro với các quỹ đầu tư toàn cầu
- 30-07-2021Covid-19: Biến thể Delta lan rộng ở Trung Quốc
- 29-07-2021Lo sợ thị trường biến động mạnh, NHTW Trung Quốc gấp rút bơm 30 tỷ CNY vào hệ thống tài chính
Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) đã phản ứng lại với quyết định hạn chế IPO mà Bắc Kinh đưa ra bằng việc công bố tạm ngừng chấp thuận cho doanh nghiệp Trung Quốc IPO trên sàn Mỹ cho đến khi họ công bố được rõ ràng hơn những rủi ro mà các cổ đông có thể phải đối mặt khi đầu tư vào những cổ phiếu này.
Theo Bloomerg dẫn lời chủ tịch SEC, ông Gary Gensler, tuyên bố những hành động gần đây của chính phủ Trung Quốc, trong đó có việc rà soát chặt chẽ hơn hồ sơ của nhóm doanh nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại, phù hợp với nhà đầu tư Mỹ. Ông cho biết ông đã yêu cầu các nhân viên thuộc SEC đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc công bố thông tin bổ sung trước khi xét duyệt hồ sơ chào bán cổ phiếu.
“Tôi tin rằng việc công bố thông tin như vậy có ý nghĩa quan trọng với quá trình hoạch định chính sách và nó ở tâm điểm của chính sách bảo vệ nhà đầu tư vào thị trường vốn của Mỹ “, ông Gensler khẳng định.
Giới chức Trung Quốc gần đây đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát mới, trong đó có việc siết chặt chính sách với các công ty giáo dục tư nhân, ngăn các công ty này kiếm lợi nhuận.
Động thái đã tạo ra làn sóng bán cổ phiếu rất mạnh khi mà nhà đầu tư đánh giá lại việc chính phủ Trung Quốc sẽ cứng rắn đến đâu trong thời gian tới. Giá trị vốn hóa của các cổ phiếu công nghệ và giáo dục Trung Quốc đã tăng lên quá mức 1 nghìn tỷ USD tính từ tháng 2/2021.
Trong khi đó, chính bản thân SEC cũng đang đương đầu với vô vàn áp lực từ chính phủ Mỹ trong việc tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc khi mà cổ phiếu công ty sở hữu ứng dụng gọi xe Didi Global giảm thê thảm sau khi IPO tại Mỹ trong tháng này.
Ngay sau khi Didi Global hoàn thành IPO, giới chức Trung Quốc công bố siết chặt giám sát và hạn chế ứng dụng này bổ sung thêm khách hàng mới. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã hối thúc SEC điều tra Didi Global để tìm ra liệu công ty này có biết phía Trung Quốc đã điều tra mà không chịu công bố các rủi ro mà nhà đầu tư Mỹ dự kiến phải đối mặt.
Các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn New York cho đến nay đã mang đến nguồn phí bảo lãnh phát hành vô cùng quan trọng cho nhiều ngân hàng phố Wall. Năm 2021 là năm niêm yết cao kỷ lục của doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn Mỹ, các doanh nghiệp đã huy động được ít nhất 15,7 tỷ USD, cao hơn toàn bộ tiền huy động được trong năm 2020, theo dữ liệu được tính toán bởi Bloomberg.
Giới chức hàng đầu Trung Quốc công bố kế hoạch cải tổ toàn diện ngành giáo dục quy mô 100 tỷ USD của Trung Quốc, họ cấm những doanh nghiệp giảng dạy chương trình giáo dục của Trung Quốc kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Cuối tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đã công bố nhiều quy định mới đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh doanh giáo dục Trung Quốc và có thể khiến cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thiệt hại hàng tỷ USD.
Cụ thể, những doanh nghiệp giảng dạy chương trình giáo dục Trung Quốc không còn có thể tiếp tục nhận đầu tư nước ngoài, trong đó có cả vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động tại nước ngoài. Những doanh nghiệp nào có hoạt động thuộc diện không được phép sẽ cần phải có những biện pháp để thay đổi tình hình.
Ngoài ra, những công ty kinh doanh giáo dục đã niêm yết cổ phiếu sẽ không còn có thể cho phép huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán hoặc đầu tư vào những ngành kinh doanh có giảng dạy chương trình của Trung Quốc. Các vụ thâu tóm bị cấm.
Những chương trình dã ngoại và giảng dạy cuối tuần có liên quan đến chương trình học cũng sẽ phải chịu hạn chế.
Các quy định mới đe dọa sẽ làm mất đi những sự tăng trưởng ấn tượng mà thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có được nhờ vào cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành giáo dục như TAL Education Group, New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu Inc.
Quy định cũng khiến cho thị trường giáo dục Trung Quốc trở nên không thể tiếp cận được với nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, một trong những lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, thu hút hàng tỷ USD từ những tập đoàn như Tiger Global Management, Temasek Holdings và SoftBank chính là giáo dục.
Nhịp sống doanh nghiệp