MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước không đồng ý cho Vietnam Airlines hoãn nộp báo cáo tài chính

VNA xin hoãn nộp BCTC quý 1/2022 vì nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19 chưa làm kịp báo cáo (Ảnh minh hoạ)

VNA xin hoãn nộp BCTC quý 1/2022 vì nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19 chưa làm kịp báo cáo (Ảnh minh hoạ)

Hiện tại đã quá thời hạn nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa công bố 3 báo cáo quan trọng gồm báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021 và báo cáo tài chính quý 1/2022.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có phản hồi về đề nghị được hoãn công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN). Theo đó, UBCKNN cho biết lý do mà Vietnam Airlines đưa ra trong công văn ngày 29/4 là không phù hợp.

Trước đó, lý do mà Vietnam Airlines đưa ra là nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý 1/2022. Vietnam Airlines cũng cam kết sẽ công bố đầy đủ báo cáo tài chính quý 1/2022, nhưng không nêu thời hạn cụ thể.

Với việc không chấp thuận công văn xin gia hạn, UBCKNN yêu cầu Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên năm 2021.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn phải phải công bố báo cáo tài chính quý trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là báo cáo quý 1/2022 phải được công bố chậm nhất vào ngày 20/4/2022.

Nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý 1 chậm nhất vào ngày 30/4.

Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm, tức là báo cáo năm 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 31/3/2022.

Báo cáo thường niên phải được công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 110 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức là báo cáo thường niên 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 10/4/2022.

Đến thời điểm hiện tại tức là đã quá thời hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021 và báo cáo tài chính quý 1/2022 nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa nộp ba loại báo cáo này.

Lỗ lũy kế gần 1 tỷ USD "ngốn" gần hết vốn điều lệ

Theo BCTC năm 2021 chưa kiểm toán, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 9.179 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 1.100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Con số này cùng kỳ năm trước thậm chí còn lên đến 2.085 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ ròng 1.184 tỷ đồng trong quý 4 qua đó tiếp tục đào sâu khoản lỗ ròng cả năm 2021 đến 13.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm 31/12/2021 âm 21.978 tỷ đồng và đã "ngốn" gần hết vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng.

Cổ đông của Vietnam Airlines đã có thể tạm "thở phào" khi tạm thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện trong quý 1/2022, khoản vốn chủ sở hữu ít ỏi còn lại hơn 507 tỷ đồng có thể bị thổi bay.

Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước không đồng ý cho Vietnam Airlines hoãn nộp báo cáo tài chính - Ảnh 1.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn bị mất cân đối tài chính trầm trọng vào cuối năm 2021 khi nợ ngắn hạn (41.259 tỷ đồng) vượt đến gần 30.000 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (11.425 tỷ đồng). Số dư nợ vay thời điểm 31/12/2021 lên đến 34.800 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng tài sản của Hãng hàng không này.

Trái với kết quả "bết bát" của Vietnam Airlines, một hãng hàng không khác là Vietjet (mã VJC) vẫn kinh doanh có lãi năm 2021 và ghi nhận tăng trưởng cao trong quý đầu năm 2022.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 12.875 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Quý 1/2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỷ đồng trong quý đầu năm, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022 của Vietjet nhờ kinh doanh vận chuyển hành khách phục hồi nhanh và mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa tiếp tục mở rộng, với mức tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2022 lần lượt là 76% và 94%. Tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet trong quý 1/2022 đã đạt 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021, đánh dấu cột mốc phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý 1/2022 hơn 12,5 nghìn tấn.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên