Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia: Có 10/118 TCTD âm vốn tự có
Trong thời gian tới nhóm NHTM Nhà nước nếu không tăng được vốn, trong khi phải đảm bảo CAR tối thiểu sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
- 27-12-2016Hiệu quả sinh lời của các ngân hàng năm 2016 được dự báo cao hơn năm trước
- 27-12-2016Chi tiền thưởng Tết ngay tại doanh nghiệp để chống nghẽn ATM
Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 mới được công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước tính 2016 là 11,3% (năm 2015 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản ”có” rủi ro điều chỉnh là 8,6%. Toàn hệ thống có 4/92 NHTM có tỷ lệ CAR dưới 9%. Có 10/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Nguồn UBGSTCQG.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 TCTD thí điểm cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đối với 04 NHTM NN, CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel 2 thì CAR giảm xuống dưới 8%.
Tổ chức này chỉ ra nếu trong thời gian tới nhóm NHTM Nhà nước không tăng được vốn, trong khi phải đảm bảo CAR tối thiểu thì sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 do đây là nhóm có vai trò quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn đến toàn hệ thống TCTD.
Ngoài ra, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận xét quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính từ cuối năm 2011 góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính (giảm 10% số TCTD và 25% số công ty chứng khoán). Hoạt động của khu vực tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn với mức đủ vốn bình quân của hệ thống cao hơn mức chuẩn an toàn. Nợ xấu được xử lý tích cực giúp giảm chi phí dự phòng rủi ro của các TCTD và đà tăng của nợ xấu chậm lại qua các năm, góp phần gia tăng khả năng sinh lời của hệ thống TCTD.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, qui mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, năng lực cung ứng vốn còn hạn chế, đặc biệt còn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng. Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài so với tiềm năng. Một số vấn đề tồn tại nổi bật của hệ thống tài chính là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, tập trung ở một số TCTD yếu kém, khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được như mong đợi bất chấp sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô.