Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: GDP năm 2018 có thể đạt 6,8%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 khoảng 6,5-6,8%.
- 26-12-2017GDP 2017: Từ nỗi lo đến sự bứt phá
- 26-12-2017Vì sao ngành logistic Việt Nam vẫn chỉ lẹt đẹt đóng góp 2 - 3% cho GDP?
- 23-12-2017Vốn hóa TTCK Việt Nam đã tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra năm 2020
Sáng 26/12, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017. Báo cáo có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 khoảng 6,5-6,8%.
Tiếp tục xu thế cải thiện tăng trưởng
Cụ thể, TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trình bày đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 cho biết, khi tính toán với phương pháp phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần tăng trưởng xu thế đã liên tục cải thiện kể từ đầu năm 2013 và hiện đang ở mức khoảng 6,5%. Cùng với đó, thành phần chu kỳ (tăng trưởng do yếu tố tổng cầu) được dự báo có xu hướng tăng trong năm 2018.
Trong mức tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có thể đạt khoảng 6,5-6,8% thì với 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát. Còn tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018.
Bên cạnh đó, theo ông Tú, "nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn".
Giải thích cho dự báo lạc quan đó, ông Tú cho hay, thuận lợi đến từ cả kinh tế thế giới và nhiều điều kiện trong nước. Trong đó, kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính trong thời gian gần đây.
"Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo đạt cao hơn mức 6,7%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với năm 2016. Kết quả này nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao giúp cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Năng suất lao động dần được cải thiện, việc sử dụng các nguồn lực sản xuất dần hiệu quả hơn."- Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch UBGSTCQG.
Hơn nữa, tăng trưởng thương mại toàn cầu tuy giảm nhẹ so với năm 2017 nhưng vẫn duy trì mức khá (theo IMF dự báo 4%). Đáng chú ý là nhu cầu nhập khẩu của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng đáng kể so với năm 2017 (theo IMF dự báo nhu cầu này tăng 4,9% trong năm 2018, cao hơn mức 4,5% của năm 2017).
"Đây là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khu vực này trong bối cảnh hàng hóa vào khối các nước phát triển đang khó khăn hơn do những thay đổi trong chính sách thương mại từ đa phương chuyển sang song phương." - ông Tú phân tích.
Đối với trong nước, tổng cung của nền kinh tế được dự báo sẽ cải thiện nhờ hưởng lợi từ các chính sách cải thiện bên cung theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ và tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017...
Trong đó, cả 3 khu vực kinh tế đều sẽ đạt mức tăng tích cực: Khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo.
Khu vực tư nhân được dự báo sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018.
Tận dụng thời cơ, tránh tụt hậu
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn năm 2018. Đó là thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động bởi sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ.
Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Xét về dài hạn, Ủy ban này cho rằng, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao sẽ hưởng lợi nhiều nhất, trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.
Do đó, "Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng này mang lại nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau" - Ủy ban GSTCQG khuyến nghị./.
VOV