MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Kinh tế nói gì với chính sách tiền tệ “thời Covid-19”?

07-05-2020 - 13:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiệu quả hỗ trợ của chính sách tiền tệ cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19 được đánh giá là chưa đạt như mong muốn.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó khái quát, tại Việt Nam, đến nay ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 600 nghìn tỷ đồng.

Quy mô này bao gồm hỗ trợ tài khóa từ ngân sách nhà nước 256.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP; Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 16.200 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội Việt Nam 9.500 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng 300.000 tỷ đồng và các doanh nghiệp (EVN 11.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông 15.000 tỷ đồng).

Đây là mức hỗ trợ có quy mô lớn với các biện pháp mạnh chưa từng có ở nước ta để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra các vấn đề nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ủy ban, thị trường tài chính - tiền tệ diễn biến trái chiều do tác động từ dịch Covid-19, tỷ giá tăng trong một số ngày. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế còn trì trệ mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay từng bước giảm, rủi ro tín dụng gia tăng, áp lực nợ xấu lớn, nhất là các ngành chịu tác động của đại dịch.

Trong khi đó, đà sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo (nhất là lĩnh vực ngân hàng, bất động sản…) dẫn đến vốn hóa thị trường chứng khoán giảm mạnh, ít triển vọng phục hồi trong ngắn hạn.

Nhìn nhận các chính sách ứng phó, với chính sách tiền tệ, tín dụng, Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm, tỷ lệ dư nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ dự kiến ảnh hưởng của dịch Covid-19 (khoảng 2 triệu tỷ - PV).

Cụ thể là các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng; cho vay mới 165.208 tỷ đồng theo chương trình giảm lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 0,5%-3%.

Nguyên nhân của việc chậm trễ là do việc thực hiện dựa chủ yếu vào thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để nhất quán trong thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các yêu cầu về tài sản bảo đảm, chứng minh thiệt hại do Covid-19 cũng như chứng minh dòng tiền trả nợ… Do vậy, hiệu quả của chính sách này chưa đạt như mong muốn.

Doanh số cho vay theo các chương trình ưu đãi hơn 165 nghìn tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 10/4/2020 giảm 0,53% so vời cùng kỳ tháng trước. Trong tổng số 354.286 khách hàng được vay các chương trình tín dụng ưu đãi đến nay, số khách hàng tiếp cận được các chương trình cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng còn thấp, chỉ chiếm 22,4%, báo cáo nêu con số chứng minh.

Theo Ủy ban Kinh tế, khả năng giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay khó thực hiện do chi phí huy động vốn của các ngân hàng đã cao, năng lực tài chính và lợi nhuận của các ngân hàng còn hạn chế, nhất là trong điều kiện nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng do Covid-19. Hơn nữa, việc giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá VND trong trung hạn.

Cũng về chính sách tín dụng, báo cáo mới phát hành của chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã điều hành tín dụng đảm bảo đủ, kịp thời vốn cho tăng trưởng đồng thời kiểm soát lạm phát. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để  yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng.

Cũng theo báo cáo này thì từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Khánh Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên