MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uỷ ban Kinh tế QH: Nợ xấu bất động sản chiếm 18,4% tổng nợ xấu của toàn hệ thống

24-05-2022 - 13:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết số 42

Sáng 24-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, trình bày báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 (viết tắt là Nghị quyết số 42), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Uỷ ban Kinh tế cơ bản thống nhất với báo cáo về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Uỷ ban Kinh tế QH: Nợ xấu bất động sản chiếm 18,4% tổng nợ xấu của toàn hệ thống - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết số 42 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...). "Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)... "- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.

Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30-6-2022), mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các TCTD, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị cần thuyết minh kỹ hơn về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết vì còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để; dự liệu những vấn đề có thể phát sinh khi kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm.

Có ý kiến cho rằng việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết số 42, bảo đảm tính liên tục cũng như xử lý hiệu quả nợ xấu.

Theo Văn Duẩn - Thế Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên