Ủy ban quản lý vốn đề nghị Vinafood 2 đẩy mạnh tái cơ cấu, khẩn trương tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020
Mới đây, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cùng các lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nhằm tìm hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp này đang gặp phải.
Những khó khăn bất cập trong hoạt động kinh doanh từ trước khi cổ phần hóa vẫn hiện hữu cộng thêm tác động từ dịch Covid-19 khiến cho tổng lỗ lũy kế của Vinafood 2 đến 30/6/2020 đã lên gần 2.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn đang là vấn đề cấp bách của Vinafood 2 khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2020 đã âm 345 tỷ đồng trong khi năm 2019 chỉ tiêu này vẫn dương. Để bù đắp, Vinafood 2 đã tăng vay nợ, dẫn đến dư nợ ngắn hạn tại cuối quý 2 tăng lên 1.739 tỷ so với mức hơn 1.300 tỷ hồi đầu năm.
Do đó, để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn nhà nước tại Tổng công ty, đẩy mạnh tái cơ cấu cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị Vinafood 2 làm việc với các ngân hàng về hạn mức tín dụng, vay phù hợp; xây dựng chi tiết kế hoạch vay vốn và trả nợ với điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó cần khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, trong đó sớm thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 trên cơ sở kế hoạch kinh doanh có lãi trở lại làm cơ sở các ngân hàng xem xét, tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho Tổng công ty.
Lãnh đạo Ủy ban cũng lưu ý Vinafood 2 cần phối hợp với các vụ chức năng của Ủy ban báo cáo Lãnh đạo Ủy ban xem xét chỉ đạo về phương án sắp xếp tổng công ty, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2021 - 2025; Tập trung rà soát, xác định nhiệm vụ, tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính; Chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị chế biến trong việc cải tạo và thay thế dần những máy móc thiết bị cũ lạc hậu bằng máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn, đồng thời tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ mới vào lĩnh vực chế biến nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường để khai thác triệt để các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường mới.
Trong công tác quản lý tài chính, Vinafood 2 cần thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa của Công ty mẹ, các đơn vị trực thuộc.
Rà soát và trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp còn đang thua lỗ theo đúng quy định của nhà nước nhằm đảm bảo an toàn về tài chính cho Tổng công ty. Theo số liệu trên báo cáo tài chính, hiện công ty mẹ Vinafood 2 đang đầu tư 1.237 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư dài hạn khác. Tính đến 30/6, tổng công ty đã trích lập dự phòng 402,5 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng giá trị đầu tư.
Về công tác quản trị doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao nhiệm vụ cho Vinafood 2: Tăng cường quản trị doanh nghiệp theo các văn bản của Ủy ban chỉ đạo về công tác tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá, báo cáo Ủy ban về mô hình quản lý, quản trị, điều hành, từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Nhịp sống kinh tế