V-GREEN sẽ vô tình mang tiền về cho ông Phạm Nhật Vượng, tương tự Elon Musk 'ngồi không' thu 5-10 tỷ USD?
V-GREEN của ông Phạm Nhật Vượng được thành lập để xây dựng trạm sạc xe điện dành riêng cho VinFast, nhưng ẩn sau đó vẫn có tiềm năng mang lại lợi nhuận.
- 22-03-2024Taxi điện của ông Phạm Nhật Vượng bắt đầu chiêu mộ đối tác tài xế tự doanh, chia sẻ doanh thu tới 80% trong 3 năm
- 15-03-2024Ra đời 1 năm đã lên như diều gặp gió, Xanh SM của ông Phạm Nhật Vượng đang vẽ lại miếng bánh thị trường gọi xe công nghệ, đe dọa Grab ra sao?
- 18-01-2024VinFast của ông Phạm Nhật Vượng đi Indonesia, Ấn Độ, đối thủ sừng sỏ tìm đường vào Việt Nam và láng giềng
Cách đây ít ngày, ông Phạm Nhật Vượng đã tách bộ phận chuyên phát triển trạm sạc tại VinFast thành một đơn vị độc lập, sẽ hoạt động trên quy mô toàn cầu. Đơn vị chuyên phát triển trạm sạc này lấy tên V-GREEN, sẽ xây dựng và quản lý trạm sạc điện cho VinFast.
Theo nhận định chung, với việc tách biệt bộ phận phát triển trạm sạc thành một đơn vị riêng, áp lực tài chính của VinFast sẽ giảm bớt, giúp hãng xe Việt có thêm cơ hội để mở rộng thị trường.
Theo thông báo được gửi đi, V-GREEN trong 5 năm đầu sẽ chỉ phát triển và quản lý trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn thế giới. Sau đó, công ty sẽ đánh giá hiệu quả tại từng thị trường và khả năng huy động vốn mà quyết định xem liệu có mở cho các thương hiệu ngoài VinFast sử dụng hay không.
Trên thực tế, cách làm này của V-GREEN tương tự với cách làm thời gian đầu của Tesla. Ban đầu, thương hiệu xe điện Mỹ cũng phát triển trạm sạc chỉ dành riêng cho xe của hãng, có khác chăng là bộ phận phát triển và quản lý trạm sạc cho đến nay vẫn vẫn thuộc Tesla (không tách thành công ty độc lập).
Thế nhưng gần đây, Tesla đã cho phép xe của các thương hiệu khác sử dụng trạm sạc của mình.
Tới nay, mạng lưới sạc xe điện Supercharger của Tesla thường xuyên được các trang uy tín như Edmunds hay EV Magazine nêu là mạng lưới lớn nhất thế giới, bởi Tesla đang có hơn 50.000 trụ trải khắp thế giới, từ châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ đến châu Âu.
Thực tế, theo một số nhận định, hệ thống trạm sạc Supercharger mang tiền về cho Tesla gần như là một việc... vô tình! Lý do nằm ở ý tưởng tự phát triển trạm sạc của Tesla ban đầu chỉ nhằm thu hút khách hàng mua xe.
Bối cảnh thị trường xe điện lúc bấy giờ (năm 2012) rất khác ngày nay, khi bản thân xe điện vẫn là một sản phẩm quá mới mẻ và còn mang nhiều định kiến, trạm sạc cho xe điện càng là một thứ xa xỉ. Vì vậy mà Tesla phải xây dựng trạm sạc như một phương thức thuyết phục người mua (bên cạnh mục đích tạo sự yên tâm cho người sử dụng khi đi xa).
Trạm sạc của Tesla đang phục vụ hàng triệu chiếc xe của hãng và con số còn tăng lên hơn nữa khi Tesla đã đồng ý cho các thương hiệu ngoài sử dụng trạm của mình. Từ đây, giới chuyên gia tài chính đang thấy tiềm năng lớn từ mô hình của Tesla và họ đã bắt đầu tính toán để ước lượng giá trị của toàn hệ thống.
Giới chuyên gia tài chính gọi hiện tượng vô tình mang về doanh thu như trạm sạc Supercharger là AWS. Thuật ngữ này xuất phát từ dịch vụ Amazon Web Services. Các hiện tượng AWS có xuất phát điểm là một phương án giảm gánh nặng tài chính lên công ty mẹ, nhưng sau cùng lại trở thành một nguồn thu chủ lực.
Nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Piper Sandler & Co. ước tính rằng trong khoảng một thập kỷ tới, việc Tesla mở trạm sạc cho các hãng khác có thể giúp hãng xe này thu được tới 5 tỷ USD (gần 124 nghìn tỷ đồng) mỗi năm.
Trong khi đó, chuyên gia Dan Ives tại Wedbush nhận định rằng tới năm 2030, mạng lưới trạm sạc khổng lồ của Tesla sẽ giúp thu về 10 tỷ USD (gần 248 nghìn tỷ đồng) đến 20 tỷ USD (495 nghìn tỷ đồng), tương đương từ 3% đến 6% tổng doanh thu của hãng.
Một thông tin cần nhắc rằng Dan Ives là một chuyên gia tài chính có uy tín trên thế giới; theo xếp hạng của TipRank thì ông đứng thứ 121 trên tổng số 8.527 chuyên gia tại phố Wall.
Sau khi Elon Musk chính thức cho phép các xe ngoài Tesla sử dụng trạm sạc, chuyên gia Dan Ives đưa ra nhận định: "Chúng tôi coi đây là một bước đi chiến lược trong dài hạn khi hệ thống trạm Supercharger của Tesla có tiềm năng thu lợi nhuận cao, khi công ty đang ngày càng chiếm nhiều thị phần hơn trong hệ sinh thái mạng lưới trạm sạc tại Mỹ..."
Quay trở lại với V-GREEN của ông Phạm Nhật Vượng, đơn vị phát triển trạm sạc này ban đầu sẽ phục vụ VinFast, nhưng điều đáng chú ý là trong năm nay, VinFast đặt mục tiêu mở rộng tới ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thông báo của VinFast có đoạn: "VinFast sẽ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines..., khu vực Trung Đông hay gần đây nhất là châu Phi với những thị trường đầu tiên là Nigeria, Ghana..."
Khi hoạt động rộng, việc tách bộ phận phát triển trạm sạc của VinFast ra thành một đơn vị độc lập cũng hoàn toàn có cơ hội trở thành hiện tượng AWS với Vingroup nếu như V-GREEN chứng minh được chất lượng dịch vụ và chia sẻ cho các thương hiệu ngoài cùng sử dụng.
Đời sống Pháp luật