MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vaccine cho kinh tế

Vaccine cho kinh tế

Tốc độ mua và triển khai tiêm chủng 150 triệu liều vaccine sẽ quyết định được Việt Nam có thể bảo vệ sức khỏe người dân khỏi Covid 19 hay không, cũng như đưa nền kinh tế vào trạng thái như thế nào trong nhưng năm hậu đại dịch.

Hôm nay (10/7), Việt Nam chính thức triển khai đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử với quy mô 150 triệu liều vaccine Covid-19, sẽ được phân phối cho khoảng 100 triệu dân. Quy mô nêu trên, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là lớn gấp khoảng 5-6 lần so với đợt tiêm chủng gần nhất (tiêm 23 triệu liều vaccine sởi - rubela cho trẻ em).

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 1.
2 triệu liều vaccine Moderna của Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX vừa về Việt Nam sáng nay (10/7).

Cùng ngày, 2 triệu liều vaccine Covid-19 do Moderna sản xuất và được Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cũng đã về đến Việt Nam. Một nửa số này sẽ được chuyển ngay cho TP HCM, đầu tàu kinh tế của đất nước nhưng đang phải thực hiện cách ly xã hội để ngăn làn sóng bùng phát chưa từng có của dịch bệnh. Trước đó trong ngày 9/7, riêng TP HCM có 1.229 ca nhiễm mới, đưa con số ca bệnh ghi nhận trong ngày của cả nước lên mức kỷ lục 1.616 ca.

Đến nay, Việt Nam đã nhận tổng cộng khoảng 7,5 triệu liều vaccine trong số 150 triệu liều cần có. Phần lớn trong số này là thông qua cơ chế COVAX (4,5 triệu liều) cũng như được các nước trao tặng trực tiếp (2,5 triệu), trong khi lượng đặt mua qua các hợp đồng thương mại của VNVC mới có 400.000 liều của AstraZeneca và 97.000 liều của Pfizer. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện cơ quan quản lý đã đàm phán để có được 130 triệu liều vaccine và phần lớn sẽ được giao trong quý III và quý IV năm nay.

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 2.

Cũng giống tất cả các nước trên thế giới, việc triển khai tiêm chủng diện rộng nhằm mang lại miễn dịch cộng đồng sẽ là chìa khóa để Việt Nam có thể bước vào giai đoạn "bình thường mới", tức là mở cửa trở lại cho giao thông, thương mại, du lịch với ở quy mô liên quốc gia. Đó chẳng khác nào một liều vaccine khác cho nền kinh tế.

Thách thức toàn cầu

Tháng 2/2021, Ghana là quốc gia đầu tiên nhận được vaccine Covid-19 thông qua COVAX. Kể từ đó đến nay, cơ chế chia sẻ vaccine này đã giúp phân phối miễn phí 95 triệu liều đến 134 quốc gia thành viên. Đây là con số khiêm tốn so với mục tiêu ban đầu là cung cấp 2 tỷ liều trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều tiếp theo trong những tháng đầu năm 2022. Điều này làm cho quá trình tiêm chủng toàn cầu càng gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh đợt bùng phát với các biến chủng mới chưa có dấu hiệu dừng lại ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi cần thúc đẩy tiêm chủng vaccine đi kèm với các gói kích thích tài chính cụ thể hơn để củng cố tăng trưởng, niềm tin và duy trì hỗ trợ thu nhập cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch trong khi chuẩn bị nền tảng để phục hồi bền vững. "Tốc độ là điều cốt yếu", Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD, nói. "Không có chỗ cho sự tự mãn. Vaccine phải được phân phối nhanh hơn, toàn cầu hơn. Điều này đòi hỏi sự hợp tác tốt hơn những gì chúng ta đã thấy. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tập trung xây dựng nền tảng tốt hơn cho một đợt phục hồi kéo dài, thịnh vượng cho tất cả".

OECD dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm nay là 5,6%, điều chỉnh tăng hơn 1 điểm phần trăm so với ước tính đưa ra tháng 12/2020, và là 4% vào 2022. Tổng GDP thế giới kỳ vọng đạt mức trước đại dịch vào giữa năm nay nhưng tốc độ và độ dài quá trình phục hồi sẽ phụ thuộc vào cuộc đua giữa vaccine với sự xuất hiện các biến chủng virus". Xét trên mặt bằng chung, số liệu từ Our World in Data cho thấy châu Á - Thái Bình Dương tụt lại đáng kể so với Bắc Mỹ và châu Âu trong tiêm chủng vaccine Covid-19.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tiêm tổng cộng 23,8 liều vaccine Covid-19 trên mỗi 100 người dân, CNBC phân tích số liệu thống kê từ Our World in Data tính đến ngày 1/6. Tỷ lệ này ở Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt là 61,4 liều/100 dân và 48,5 liều/100 dân. Châu Phi là khu vực tiêm chủng chậm nhất, chỉ 2,5 liều/100 dân.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Natixis của Pháp đang theo dõi nguồn cung vaccine Covid-19 và tiến độ tiêm chủng ở châu Á - Thái Bình Dương. Hồi tháng 5, họ cho rằng thiếu nguồn cung là một nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng tại khu vực chậm nhưng chỉ còn một số nền kinh tế gặp vấn đề này.

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 3.
Vaccine cho kinh tế - Ảnh 4.
Vaccine cho kinh tế - Ảnh 5.

Việt Nam đang ở đâu?

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã xác định nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu và chỉ khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy, Việt Nam quyết tâm phải có vaccine sớm nhất. Giống như nhiều nước trên thế giới, việc triển khai chiến lược vaccine Covid-19 do nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tiếp cận độc quyền mua từ các nhà sản xuất vaccine trên toàn cầu. Sau đó, nhà nước cung cấp vaccine theo thứ tự ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch, những đối tượng bị rủi ro cao nhất rồi đến người dân. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng để đạt được miễn dịch cộng đồng, tránh tình trạng chỉ người có khả năng tài chính mới tiếp cận được vaccine.

Những tháng đầu năm 2020, Bộ Y tế đã được giao nhiệm vụ tiếp xúc với tất cả những công ty có tiềm năng sản xuất vaccine Covid-19 trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vaccine hoặc nhận chuyển giao công nghệ nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân nhanh và sớm nhất. Sau 200 buổi trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam có gần 130 triệu liều vaccine trong năm nay. Trong đó, 38,9 triệu liều được phân phối miễn phí thông qua COVAX, 86 triệu liều vaccine còn lại Việt Nam đàm phán mua của Pfizer/BioNtech (31), AstraZeneca (30), Sputnik V (20) và Moderna (5). Ngoài ra, Việt Nam còn có 2,5 triệu liều vaccine được tài trợ từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Trước tính cấp bách và sự cần thiết của vaccine, Việt Nam đã phê duyệt vaccine Covid-19 thứ 5 đó là Moderna vào cuối tháng 6 vừa qua, bên cạnh Pfizer, Sputnik, AstraZeneca và Sinopham. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vaccine Covid-19 toàn cầu rất lớn, xuất hiện tình trạng tranh mua vaccine, đặc biệt là trước thời điểm tháng 10/2021, mục tiêu miễn dịch cộng đồng của Việt Nam trong năm nay gặp những thách thức nhất định.

Trước tiên, Việt Nam không chủ động được thời gian tiếp nhận, phải chấp nhận việc giao vaccine Covid-19 không đúng tiến độ hoặc không đủ số lượng từ nhà sản xuất. Điều này cũng lý giải số lượng vaccine Covid-19 về Việt Nam vẫn còn hạn chế và tỷ lệ người được tiêm tính trên mật độ dân số cũng vào nhóm "chưa đảm bảo được số liều cần thiết cho miễn dịch cộng đồng", cùng với Indonesia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 6.

Trước những diễn biến phức tạp dịch Covid-19 ở phía Nam trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... với số lượng ca bệnh covid-19 ghi nhận trong ngày vượt 1.600 - con số này tương đương tổng số ca bệnh Covid-19 ghi nhận trên toàn quốc trong đợt dịch 1 và 2. Cộng với việc vaccine đã được nhận nhiều hơn, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021- 2022. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu tiêm phủ 50% dân số trên 18 tuổi trong năm nay và phủ 70% dân số vào tháng 4/2022. Chiến dịch được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc từ tháng 7 với khoảng 19.000 điểm tiêm chủng tại các cơ sở công lập và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế. Như vậy, Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm nay như kỳ vọng ban đầu. Tính đến 16h ngày 8/7, có gần 4 triệu liều vaccine đã được tiêm và trong số đó có gần 250.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Ngoài việc có quy mô chủng lớn và rộng nhất thì đối tượng của chiến dịch cũng thay đổi theo hướng ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy và phát triển kinh tế. Đối tượng lần này gần như khác hoàn toàn so với Nghị quyết 21/2021 của Thủ tướng được ban hành hồi tháng 3. Khi ấy, đối tượng ưu tiên là lực lượng vũ trang, quân đội, công an, giáo viên, người già, người có bệnh nền… Trên thực tế, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng ưu tiên là công nhân sản xuất trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các thành phố là những cực tăng trưởng sẽ đúng đắn và phù hợp với mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch và vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.

Để chiến dịch thành công, chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí là an toàn, hiệu quả, đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn và đặc biệt duy trì được miễn dịch cộng đồng. Một trong những lợi thế của Việt Nam trong việc triển khai tiêm chủng đó là có đến 98% người dân sẵn sàng tiêm khi có vaccine. Đây là tỷ lệ sẵn sàng tiêm chủng cao nhất thế giới, theo kết quả khảo sát của tạp chí y khoa nổi tiếng toàn cầu - Lancet. Tuy nhiên, niềm tin ấy không thể duy trì nếu không đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành vaccine hoặc tiêm vaccine giả hay hết hạn.

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 7.

Trong dài hạn, để duy trì tình trạng miễn dịch cộng đồng, không bị động nguồn cung và chủ động tiêm chủng cho những đợt tiếp theo rõ ràng Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận vaccine và phải có vaccine "Made in Vietnam".

Đầu năm nay, khi nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện những làn sóng dịch Covid-19 với những biến chủng có tỷ lệ lây nhiễm nhanh và tử vong cao nguồn cung vaccine càng trở nên khan hiếm. Xuất hiện tình trạng các nước sản xuất vaccine có xu hướng tích trữ, không phân phối. Đồng thời, những khách hàng mua giá rẻ hay miễn phí không trở thành đối tượng ưu tiên cao nhất của các nước sản xuất vaccine thay vào đó họ ưu tiên cho những nước nghèo hơn, nơi dịch bệnh hoành hành và đơn có giá mua cao hơn. Điều này cũng lý giải, trong số 38,9 triệu liều vaccine AstraZeneca Việt Nam đăng ký miễn phí thông qua cơ chế COVAX được giải ngân cầm chừng, với đợt đầu trên 800.000 liều và đợt sau gần 1,7 triệu liều.

Bên cạnh nguồn vaccine nước ngoài, Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất 2 vaccine trong nước. Trước tiên, Nano Covax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2, với kết quả 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

Tiếp đến là Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, phát triển. Vaccine đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người. Trong tháng này, Covivax được tiêm thử với cỡ mẫu lớn hơn và giai đoạn 3 sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

Đáng chú ý, sau nhiều lần đàm phán, Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã chính thức gia công đóng ống vaccine Sputnik V từ tháng 7 với công suất có thể lên tới 100-150 triệu liều vaccine. Điều này mở ra triển vọng, cuối năm nay Việt Nam sẽ có những lô vaccine đầu tiên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Vaccine cho con người, vaccine cho kinh tế

Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam, nhận định tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần. Theo Wee, tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng bởi chương trình đóng băng và ân hạn trả lãi cho khách hàng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, dẫn đến bộc lộ yếu điểm về chất lượng tài sản ngân hàng.

Vaccine cho kinh tế - Ảnh 8.

Trong khi đó, CEO HSBC Việt Nam - Tim Evans thì cảnh báo chương trình tiêm chủng chững lại có thể cản trở sự tiếp cận của nhà đầu tư ngoại đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn là điểm mạnh của nền kinh tế này. Không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư, xuất nhập khẩu mà nền kinh tế có nguy cơ bị lỡ nhịp phục hồi kinh tế ở những nhóm đầu tiên trên thế giới do chậm trễ tiếp cận vaccine. Gần đây, HSBC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay 0,5 điểm phần trăm so với ước tính trước đó, xuống 6,1%, mà một phần lý do quan trọng đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong bối cảnh như hiện nay, nền kinh tế nào sớm mở cửa, phục hồi sẽ có lợi thế cạnh tranh và tăng tốc tốt hơn ở thời kỳ hậu dịch. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đặt mục tiêu miễn dịch Covid-19 cộng đồng vào năm nay và năm sau. Trong cuộc đua phục hồi kinh tế, cách tiếp cận vaccine theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế, nên theo hướng mua vaccine theo giá thị trường, thậm chí cao hơn giá trị trường. Bởi đây là mặt hàng cần khẩn cấp và việc mua rẻ sẽ phải chờ lâu.

Việt Nam trân trọng những hỗ trợ trao tặng vaccine trong tình huống cấp bách nhưng để có số lượng lớn vaccine tiêm cho 70% dân số, Nhà nước cần có cách tiếp cận dựa vào thị trường trong bối cảnh nguồn kinh phí để đảm bảo mục tiêu này cũng không quá eo hẹp. Trong số hơn 25.000 tỷ đồng dự kiến cần để mua vaccine, ngân sách đã bố trí được 16.000 tỷ, trong khi theo cập nhật đến hết ngày 9/7 của Kho bạc Nhà nước, tiền ủng hộ xã hội hóa cho Quỹ Vaccine cũng đã đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2021 với tốc độ tăng GDP 5,64% cùng một bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng tối . Những con số có thể tích cực ở góc nhìn này hoặc kém khả quan hơn ở góc nhìn khác, song không thể phủ nhận những ảnh hưởng lớn của dịch bệnh (kèm với đó là các biện pháp giãn cách ở mức độ khác nhau) đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Sức bật của nền kinh tế từng được đánh giá rất cao với những kết quả chống dịch đi đôi với phát triểnnăm 2020, nhưng lại va ngay vào thách thức với 2 đợt bùng phát kể từ đầu năm, gây tê liệt hoặc hạn chế hầu hết các cực tăng trưởng. Câu hỏi liệu Việt Nam có lên kịp chuyến tàu phục hồi sau đại dịch một lần nữa được đặt ra. Hơn lúc nào hết, hy vọng đang được đặt ở chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử chính thức bắt đầu hôm nay, chiến dịch được kỳ vọng mang lại tấm "hộ chiếu vaccine" cho người dân cũng như nền kinh tế.

Theo Ngọc Hà - Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên