MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vạch trần chiêu trò thao túng giá bitcoin

05-12-2017 - 08:43 AM | Tài chính quốc tế

Trước đà tăng quá mạnh mẽ của bitcoin hiện đang được giao dịch với mức giá lên tới 11.631 USD/đồng, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR) đã tiến hành điều tra về đà tăng giá phá đỉnh đầu tiên của đồng tiền số này. Qua đó, chiêu trò thao túng giá bitcoin đã được hé lộ.

Bitcoin đã trải qua một năm tăng giá mạnh mẽ nhất kể từ khi đồng tiền số này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009. Cho đến nay, tổng giá trị bitcoin trong lưu thông đã đạt 194 tỷ USD - tăng từ mức 45 tỷ USD hồi tháng 6/2017.

Tiền số nói chung và bitcoin nói riêng đều không yêu cầu một cơ quan trung ương nào xác nhận và giải quyết các giao dịch. Thay vào đó, chúng sử dụng mật mã (và một hệ thống khuyến khích bên trong) để kiểm soát các giao dịch, quản lý nguồn cung và ngăn chặn gian lận. Các khoản thanh toán được xác nhận bởi một mạng lưới phân quyền. Một khi được xác nhận, tất cả các giao dịch được lưu trữ số hóa và ghi lại công khai trong blockchain - hay còn gọi là hệ thống kế toán phân quyền.

Trong khi thuật toán của bitcoin cung cấp những công cụ bảo vệ chống lại khả năng làm giả, hệ thống sinh thái của đồng tiền này vẫn có khả năng bị đánh cắp thông qua ví điện tử hoặc sàn giao dịch - 2 hình thức mà nhà đầu tư thường lưu trữ bitcoin. Sàn giao dịch là đối tượng bị nhắm đến nhiều hơn bởi nhiều ví được đặt trên máy tính của người dùng, còn các sàn giao dịch thường xuyên trữ tiền gửi của khách hàng trong một tài khoản ví chung có giá trị rất lớn.

Các đồng tiền số được thiết kế sao cho nguồn cung tăng theo một tỷ lệ xác định trước và không thể bị thay đổi bởi bất kỳ một cơ quan trung ương nào. Tính đến thời điểm viết bài, có tổng cộng 16.716.625 đồng bitcoin trong lưu thông. Như vậy, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng bitcoin chưa được khai thác. Mặc dù nguồn cung cố định trong ngắn hạn giúp bitcoin giữ giá luôn ở mức cao, trong dài hạn điều này sẽ gây ra rủi ro giảm phát đồng tiền.

Bên cạnh đó, bitcoin cũng cho thấy tiềm năng phá vỡ hệ thống thanh toán hiện tại thông qua các sáng kiến công nghệ. Tuy nhiên, do tính chất phi tập trung, môi trường phân quyền và vô danh, tiền số thường xuyên là đối tượng tấn công của các nhóm hacker. Nhiều sàn giao dịch đã thông báo bị đánh cắp hàng chục triệu USD.

Tăng giá gấp 11 lần kể từ đầu năm đến nay, bitcoin đang trở thành một chủ đề nghiên cứu nóng của các nhà kinh tế, mặc dù đã gia nhập vào ngành khoa học máy tính từ rất lâu. Nhiều công trình đã được tiến hành nhằm chống lại các mối đe dọa như mô hình Ponzi, rửa tiền, robot đào tiền số và hành vi trộm cắp ví điện tử. Năm 2013, Ron và Shamir đã nỗ lực xác định hoạt động giao dịch dịch đáng ngờ bằng cách xây dựng biểu đồ giao dịch bitcoin được tìm thấy trong sổ cái. Không một tài liệu nào có thể liên kết với các giao dịch cá nhân với người dùng tiền số cụ thể.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy đà tăng giá chạm mốc tâm lý 1.000 USD đầu tiên của bitcoin được thúc đẩy bởi một trò lừa đảo. Sau khi phân tích số liệu giao dịch trong khoảng thời gian 10 tháng trước khi Mt. Gox - sàn giao dịch bitcoin lớn nhất đầu tiên trên thế giới sụp đổ vào năm 2014, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một số giao dịch đáng ngờ.

Mặc dù nổi lên là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới vào khoảng đầu năm 2013, đằng sau cánh gà Mt. Gox có nhiều rắc rối. Ngoài việc liên tục bị tấn công từ chối dịch vụ và trộm bitcoin, sàn này đã "tiếp tay" cho các giao dịch khống được thực hiện bởi 2 trader trái phép. Một trader có tên là Markus đã mua khống bitcoin bằng cách nhân đôi số giao dịch hoàn thành trước đó. Người kia là Willy đã mua lại bitcoin từ các trader bằng cách tạo ra tài khoản ảo bằng tiền pháp định. Biểu đồ dưới đây cho thấy thời điểm 2 trader này hoạt động cũng là lúc đồng bitcoin tăng giá. Đáng chú ý nhất là hoạt động của Willy trùng hợp với cú nhảy vọt chưa từng thấy của bitcoin từ 150 lên hơn 1.000 USD. Đầu năm 2014, sàn Mt. Gox sụp đổ. Đến cuối năm 2014, giá bitcoin giảm xuống còn hơn 200 USD/đồng.

Tuy nhiên, làm thế nào để biết rằng giá bitcoin gia tăng là do các giao dịch gian lận? Bảng dưới đây cho thấy sự thay đổi giá bitcoin hàng ngày trong các khoảng thời gian khác nhau trên sàn Mt. Gox. Trong hai quý trước khi giao dịch trái phép bắt đầu, mức tăng giá hàng ngày trung bình khá tích cực nhưng tương đối nhỏ: tăng 0,21 USD trong giai đoạn đầu và tăng 1 USD trong giai đoạn thứ hai. Trong quý III, khi bắt đầu có giao dịch trái phép, giá bitcoin đã tăng trung bình 3,15 USD trong 17 ngày khi Markus tham gia, nhưng giảm trung bình 0,51 USD trong 75 ngày khi Markus không tham gia. Đến quý cuối cùng, khi Willy bắt đầu kinh doanh, sự khác biệt trở nên trầm trọng. Trong 50 ngày Willy giao dịch, giá bitcoin tăng trung bình 21,85 USD. Trong 41 ngày Willy không giao dịch, giá trung bình đã giảm 0,88 USD.

Liệu hành vi giao dịch gian lận của Markus và Willy có phải là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng giá khổng lồ của bitcoin? Sau khi tiến hành phân tích hồi quy tất cả các yếu tố bao gồm cả các cuộc tấn công vào sàn Mt. Gox, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng chỉ có sự tham gia của Willy gây ảnh hưởng đến giá. Hệ số ước tính (trên biến giả định cho hoạt động của Willy) là 21,65 USD - xấp xỉ với mức thay đổi giá bitcoin trong bảng 1. Điều đó đã đưa đến kết luận rằng giao dịch đáng ngờ của một hay một nhóm các trader chính là nguyên nhân chính gây ra bùng nổ giá bitcoin tăng từ 150 lên 1.000 USD chỉ trong 2 tháng vào cuối năm 2013.

Vậy tại sao chúng ta cần phải quan tâm hành động thao túng giá bitcoin vào năm 2013? Xét cho cùng, hệ sinh thái bitcoin chỉ là một phần nhỏ so với Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Tuy nhiên, xu hướng gần đây cho thấy rằng bitcoin đang trở thành một tài sản quan trọng trong hệ thống tài chính.

Hoạt động giao dịch tiền số đang bùng nổ. Trên Coinmarketcap vào lúc 3:00 chiều ngày 4/12, vốn hóa thị trường của bitcoin đang là hơn 194 tỷ USD với giá mỗi đồng tiền lên tới 11.631.50 USD - tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm. Vốn hóa của một số đồng tiền số khác thậm chí còn tăng mạnh hơn. Trong khoảng thời gian 1 năm kết thúc vào giữa tháng 5/2017, vốn hóa của thị trường tiền số trừ bitcoin tăng từ 1,7 tỷ USD lên hơn 29 tỷ USD và hiện nay là khoảng hơn 100 tỷ USD. Thị trường cho các đồng tiền số khác ngoài bitcoin có đặc điểm rất mỏng và dễ bị thao túng. Bởi sự lạm phát nhân tạo trong quá khứ của bitcoin, nhà đầu tư cần phải nhìn nhận đà gia tăng hiện tại với một tâm trí thận trọng cao và không nhất thiết phải coi bitcoin là một "bong bóng không dễ vỡ" như một số báo chí nhận định.

Trong bối cảnh đồng tiền số bitcoin đang dần trở thành một tài sản đầu tư chính thống và một số quốc gia đang bước từng bước đến hợp pháp hóa bitcoin như một hệ thống thanh toán (Nhật Bản vào tháng 4/2017), điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư là phải hiểu thị trường tiền số dễ dàng bị thao túng như thế nào.

Anh Sa

VOXEU

Trở lên trên