Vải thiều Thanh Hà cuối mùa xuống giá
Vài ngày tới sẽ kết thúc mùa tiêu thụ vải thiều tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hải Dương. Những ngày này, vải Thanh Hà cuối vụ tiêu thụ khó hơn, giá bán thấp.
- 28-06-2022Bắt cua đồng mùa nắng nóng kiếm tiền triệu mỗi ngày
- 28-06-2022“Hạ nhiệt” giá phân bón bằng cách nào?
- 28-06-2022Thanh long, vải thiều được thông quan trở lại qua cửa khẩu Lào Cai
Trong tổng sản lượng 61.500 tấn vải thu hoạch hiện nay, 36.000 tấn vải Thanh Hà, Hải Dương sớm đã được tiêu thụ hết, 25.500 tấn vải muộn cũng đã tiêu thụ được phân nửa.
Nhà còn 50 kg vải cuối cùng, hạ giá về 10.000 đồng/kg, nhưng ngồi cả sáng chị Loan (xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) vẫn chưa bán được. Vải ngon, quả đẹp nhưng khó tiêu thụ, chị cho biết, khoảng vài giờ nữa có khi phải giảm giá xuống 5.000 đồng/kg may ra mới bán được. Vải này để sang ngày hôm sau, thời tiết nắng nóng coi như bỏ hết.
Hàng trăm hộ như chị Loan cũng đang hạ giá xuống thấp nhất có thể hy vọng có thể bán hết hàng khi kết thúc mùa vải.
Vải sớm thắng lợi nhưng vải muộn để có lãi là không hề đơn giản. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)
Năm nay, giá vật tư đầu vào tăng cao, phân bón thuốc bảo vệ thực vật lên giá hơn 50%, nhưng giá vải vẫn vậy khiến nhiều hộ không khỏi lo lắng. Vải sớm thắng lợi nhưng vải muộn để có lãi là không hề đơn giản.
"Để đến ngày mai không để được nên vải này phải bán ngay trong ngày. Giờ người bán thì nhiều, người mua thì ít nên những lái buôn dìm giá rẻ lắm", anh Nguyễn Văn Bắc, xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương, chia sẻ.
Vải xuống giá, nhiều người quyết định mua ủng hộ để tặng bạn bè, bởi chỉ vài ngày nữa muốn mua cũng không có.
Vải sớm năm nay tại Hải Dương, các thương lái sang thu mua khoảng 60%, sản lượng còn lại là tiêu thụ nội địa. Vải muộn Thanh Hà thu hoạch đúng vào cùng thời điểm với vải Lục Ngạn tại Bắc Giang, nên nguồn cung tăng mạnh, việc tiêu thụ chắc chắn sẽ chậm hơn là khó tránh khỏi.
Nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ vải cuối vụ
Rõ ràng, bên cạnh đưa quả vải sang các thị trường Nhật, châu Âu hay Mỹ, thời điểm này những giải pháp tiêu thụ, chế biến trong nước phải được thúc đẩy mới hạn chế được tình trạng dư thừa, giảm giá như hiện nay.
Hiện nhiều hợp tác xã tại các vùng vải đã phải tính toán sấy khô vải để bán. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã chế biến nước vải. Tuy nhiên các dây chuyền chế biến hiện nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên con đường để tiêu thụ quả vải cần phải nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía
Vườn vải gia đình chị Phượng (xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) từ nhiều năm nay không phải lo về đầu ra cũng như giá bán. Chị Phượng tham gia vào hợp tác xã, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, quả có bé và xấu mã hơn, nhưng bù lại luôn được thu mua phục vụ xuất khẩu.
"Quản lý việc ghi chép sổ sách làm sao để chính xác hơn, chi tiết hơn. Khi các đơn vị, thị trường có nhu cầu nhập hàng, chúng tôi sẽ đạt kết quả dư lượng cao nhất để các đơn vị thu mua nhiều nhất cho bà con với giá cả ổn định", chị Quách Thị Phượng, xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương, cho biết.
Công ty Amei Việt Nam là đơn vị thu mua hết lượng phải của hợp tác xã Thanh Hà từ nhiều năm qua. Vải đầu mùa giá cao, công ty khó thu mua để xuất đi châu Âu, nhưng vải cuối mùa lại rất được ưa chuộng ở các thị trường khó tính này. Quả nhỏ, mỏng vỏ và giá bán cũng rẻ hơn so với đầu mùa.
Vải sớm năm nay tại Hải Dương, các thương lái sang thu mua khoảng 60%, sản lượng còn lại là tiêu thụ nội địa. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)
Hiện nay, dây chuyền chế biến sâu tại doanh nghiệp chỉ có thể kéo dài từ 15 - 20 ngày nên việc vận chuyển bằng đường hàng không là giải pháp duy nhất.
Cước vận chuyển cao nên năm nay doanh nghiệp cũng chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng trên 50 tấn, muốn nâng cao năng suất, chắc chắn sẽ cần giảm được cước vận chuyển như vậy cũng cần nâng cao được thời gian bảo quản để đi đường biển.
Thiếu chế biến sản phẩm, nông sản của Việt Nam dù chất lượng tốt, ngon đến mấy cũng khó có thể nâng cao được giá trị. Câu chuyện sử dụng nông sản trái mùa cũng sẽ là điều hàng triệu người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng thụ nếu mở rộng và làm tốt vấn đề này, cốt lõi hơn là nâng cao được thu nhập cho chính người nông dân.
70 tấn vải thiều thông quan qua cửa khẩu Lào Cai
Sau hơn 4 tháng tạm dừng thông quan, ngày 27/6, một số loại trái cây của Việt Nam, đã được xuất khẩu thí điểm qua cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành tỉnh Lào Cai. Tuy số lượng thông quan vẫn hạn chế, nhưng điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nông sản đã có dấu hiệu khởi sắc.
Hơn 70 tấn vải thiều được đưa lên cửa khẩu Kim Thành vào rạng sáng 27/6 và làm thủ tục thông quan. Chủ lô hàng này cho biết sau khi thỏa thuận với phía đối tác Trung Quốc, đơn vị này đã chuyển hướng sang xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai thay vì nằm chờ tại cửa khẩu Lạng Sơn.
"Để xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc đã được sự đồng ý Hải quan Trung Quốc và có sự thống nhất đảm bảo đủ quả vải được dán tem, giữ quả vải được tươi ngon nhất", anh Vũ Văn Mạnh, Công ty Xuất nhập khẩu 99, chia sẻ.
Nếu như trước đây, vải được vận chuyển bằng xe nóng. Tuy nhiên năm nay, quả vải được đóng vào thùng xốp và được vận chuyển bằng container lạnh. Điều này sẽ giúp quả vải được bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, để vải xuất khẩu được sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải tuân thủ điều kiện nghiêm ngặt về quy trình phòng chống dịch theo yêu cầu từ phía bạn.
Trong ngày 27/6, trên 120 tấn trái cây gồm: vải thiều, thanh long và chuối được thông quan qua cửa khẩu Kim Thành. Tỉnh Lào Cai cũng đã ưu tiên luồng xanh cho mặt hàng này được xuất khẩu nhanh nhất.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần thỏa thuận trước với đối tác phía Trung Quốc, đảm bảo Hải quan Trung Quốc chấp thuận mới đưa hàng lên cửa khẩu, tránh rủi ro.
Trong khi xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản đang tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đa dạng thị trường, ngành rau quả cũng kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ Trung Quốc sẽ gỡ bỏ chính sách Zero COVID-19 trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau.
VTV