VAMC sẽ mua 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường
Tính từ 1/10/2013 đến 18/6/2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ tại 41 TCTD với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 211.993 tỷ đồng.
- 20-06-2016Moody’s: VPBank, BIDV được lợi nhất nếu VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt
- 20-06-2016Ngân hàng chính sách: Cho vay trên 356.000 tỷ, nợ xấu chỉ 0,78%
- 20-06-2016TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi lo ngại một số ngân hàng đang che giấu nợ xấu”
- 17-06-2016Việt Nam cần một thập kỷ đánh vật nợ xấu
Để TCTD, VAMC và người đi vay tích cực hơn nữa trong việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường, phải có quy định cụ thể về trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm cá nhân với các tiêu chí rõ ràng. Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng đã nói như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu.
Đến thời điểm này, con số nợ xấu mà VAMC đã mua là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng
Tính từ 1/10/2013 đến 18/6/2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ tại 41 TCTD với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 211.993 tỷ đồng. Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã mua đều có tài sản đảm bảo (TSĐB) là BĐS hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, gồm cả BĐS, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…
Nhằm đánh giá thực trạng các khoản nợ xấu đã mua và để có biện pháp xử lý phù hợp, ngay từ đầu năm 2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thực hiện đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ đã bán cho VAMC; xây dựng phương án xử lý nợ đối với từng khoản nợ cụ thể. Với cách làm này, chúng tôi xác định được các khoản nợ có thể thực hiện bán theo giá thị trường, đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình xử lý nợ, xử lý TSĐB.
Lũy kế từ năm 2013 đến 18/6/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 31.172 tỷ đồng. Mặc dù cả VAMC và TCTD rất nỗ lực, và thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách tăng thêm quyền năng, tạo sự chủ động cho VAMC trong mua bán và xử lý nợ xấu, nhưng kết quả xử lý nợ xấu chưa được như kỳ vọng. Bởi còn nhiều khó khăn vẫn nằm ở tầm văn bản luật.
Đâu là những khó khăn vướng mắc nhất mà VAMC chịu “bó tay” trong quá trình xử lý nợ xấu, thưa ông?
Việc thu giữ TSĐB chưa được đề cập đến trong Luật Dân sự gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý TSĐB. Tôi có thể lấy ví dụ, tại Điều 301 Bộ Luật Dân sự 2015, người đang giữ TSĐB có nghĩa vụ giao TSĐB cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Nhưng trong trường hợp khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản, bên nhận chỉ có mỗi cách là khởi kiện tranh chấp ở tòa. Mà khởi kiện tại tòa án mất rất nhiều thời gian. Hay như tại Nghị định 53 đã sửa đổi bổ sung quy định sau khi mua nợ, VAMC trở thành chủ nợ và có đầy đủ quyền của chủ nợ, bao gồm cả quyền “nhận bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm”.
Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định chỉ có TCTD mới được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất đối với QSDĐ, tài sản trên đất của các tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp. Quy định này đã làm hạn chế quyền của VAMC trong việc nhận bổ sung hoặc thay đổi tài sản thế chấp là QSDĐ, tài sản gắn liền với đất, đồng thời ảnh hưởng tới quyền của tổ chức, cá nhân mua nợ của VAMC trong việc đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm và nhận bổ sung hay thay đổi loại tài sản thế chấp này...
Ngay cả những cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chiểu theo quy định pháp luật hiện hành, có thể thấy chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ bị hạn chế. Hay, trong Luật Đầu tư quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hiện nay, Chính phủ chưa quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh ngành nghề mua bán nợ.
Do vậy, chỉ có VAMC, DATC và AMC của các TCTD được kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nhưng nguồn lực vốn của các đơn vị này cũng đang hạn chế. Ví như, tiền mua nợ tại AMC của các TCTD thời điểm này chắc chắn không phải là nhiều. Nếu có dư để mua thì họ chỉ có thể mua với giá rất thấp, thấp hơn cả giá VAMC đã mua. Như vậy, ngoài các khách hàng trên, VAMC không thể bán được nợ cho ai. NĐT nước ngoài cũng đang kỳ vọng thực hiện mua nợ xấu qua VAMC nhưng các quy định hiện hành về vấn đề này khá phức tạp nên họ chỉ mới tiếp cận tìm hiểu chứ chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.
Những khó khăn trên ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch mua bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC?
Không có gì thay đổi trong kế hoạch mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC trong năm 2016. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm: một là mua 40 nghìn tỷ đồng nợ bằng TPĐB. Hai là, thu hồi nợ qua các hình thức bán nợ, bán TSĐB… là 30 nghìn tỷ đồng. Đối với mua nợ theo giá thị trường, trước mắt, VAMC sẽ sử dụng hết vốn điều lệ được cấp như nói ở trên.
Trong quá trình thực hiện nếu vòng quay tốc độ xử lý nợ xấu theo giá thị trường có chiều hướng tốt hơn, hành lang pháp lý đảm bảo an toàn hơn, VAMC có thể bổ sung hoặc đề xuất giải pháp khác trái phiếu sử dụng thêm nguồn vốn này để mua nợ xấu theo giá thị trường…
Đó là lộ trình của VAMC trong thời gian tới để xây dựng phương án, nâng doanh số mua nợ xấu theo giá thị trường. Còn trong năm nay với con số 2.000 tỷ đồng tôi nghĩ là một sự cố gắng. Bởi như tôi đã nói ở trên còn rất nhiều khó khăn đối với hoạt động này. Nhưng dù khó thì chúng tôi vẫn quyết phải thực hiện. Hiện, VAMC đã hoàn thiện các thủ tục lựa chọn 5 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và 5 tổ chức thẩm định giá nhằm chuẩn bị triển khai các hoạt động bán đấu giá TSĐB.
Rất có thể, tới đây Chính phủ sẽ ban hành Nghị định điều kiện kinh doanh mua bán nợ. Sau khi Nghị định được ban hành có thể mất một vài tháng để DN thành lập, chuẩn bị nguồn lực tham gia vào thị trường mua bán nợ. Lúc đó, chắc chắn thị trường hoạt động sôi nổi hơn, tác động tích cực thúc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ lớn và không chỉ của riêng ngành NH. Vì vậy, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ngành nhất là trong vấn đề sửa đổi các văn bản luật đang gây cản trở tiến độ xử lý nợ xấu. Cụ thể, xem xét bổ sung hoặc sửa đổi quy định tại Luật Đất đai cho phép VAMC và các tổ chức, cá nhân mua nợ xấu của VAMC được phép nhận chuyển giao biện pháp bảo đảm của khoản nợ đó trong trường hợp TSĐB là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. VAMC đề nghị cho phép công ty được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với yêu cầu xử lý TSĐB để thu hồi nợ.
Cách này khá hiệu quả vì tòa án thụ lý và xử lý rất nhanh khi hai bên đã có cam kết hợp pháp… Cùng với đó, cần có cơ chế mới cho VAMC thu giữ TSĐB tương tự như cơ chế “cưỡng chế kê biên tài sản” của cơ quan thi hành án. Cơ chế này sẽ nâng cao vai trò của VAMC trong công tác xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho việc xử lý nhanh và triệt để nợ xấu.
Để TCTD, VAMC và người đi vay tích cực hơn nữa trong việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường phải có quy định cụ thể về trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm cá nhân với các tiêu chí rõ ràng. Đối với người xử lý nợ là VAMC cần có hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ của VAMC không bị xem xét trách nhiệm pháp lý khi bán, xử lý nợ, TSĐB nếu đã thực hiện đúng quy định pháp luật trong trường hợp: khách hàng khởi kiện việc bán, xử lý nợ, TSĐB vì lý do sau khi bán khoản nợ, TSĐB tăng giá so với thời điểm xử lý…
Xin cảm ơn ông!
Thời báo Ngân hàng