"Ván bài" khó chơi của Apple tại Trung Quốc: Đối mặt với WeChat
Có vẻ như Apple đang đặt cược nhiều hơn dự tính của mình.
- 05-09-2016Giải mã WeChat - Mạng xã hội đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc
- 02-06-2016"Cậu ấm cô chiêu Trung Quốc": Mua sắm ở Paris, ăn uống ở Tokyo, đặt tour qua Wechat
- 06-01-2016Chứng khoán Trung Quốc "lao đao" vì giao dịch qua... WeChat
Apple từ lâu đã chứng minh được khả năng đàm phán thông thạo của mình tại thị trường Trung Quốc đầy thách thức, cũng như khả năng vượt trội so với các đối thủ trong việc đáp ứng thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng và những quy định khó lường ở thị trường này.
Tuy nhiên, mới đây, quyết định thu 30% phí hoa hồng đối với khoản tiền típ cho các nghệ sĩ trên các dịch vụ trực tuyến đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng cũng như triển vọng phát triển dài hạn của hãng tại Trung Quốc.
Từ khi mở App Store, Apple đã tính phí các nhà phát triển ứng dụng. Tuy nhiên, vấn đề lần này lại hoàn toàn khác biệt. Tiền típ là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế số Trung Quốc. Vì vậy, Tập đoàn Tencent Holdings Ltd., doanh nghiệp có trị giá lớn nhất tại Trung Quốc, chủ sở hữu WeChat – dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến nhất tại quốc gia này, đã từ chối hợp tác cùng Apple. Sự đối đầu căng thẳng giữa hai doanh nghiệp công nghệ quyền lực nhất thế giới có lẽ sẽ không đem lại kết quả như ý cho Apple.
Tại Trung Quốc, iPhone từ lâu đã chiếm lĩnh khu vực công nghệ và được xem như biểu tượng cho sự sang trọng. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Các hãng smartphone Trung Quốc đang giành lại thị phần với thiết kế đẹp hơn, giá thành thấp hơn cũng như hệ thống phân phối tinh xảo.
Quan trọng hơn cả, WeChat đã phát triển từ một chương trình chat đơn giản thành một lối sống. Ứng dụng này cho phép 938 triệu người dùng thực hiện mọi hoạt động, từ gọi taxi đến chia hoá đơn nhà hàng. Người dùng thậm chí còn có thể tải nhiều ứng dụng trong phạm vi ứng dụng WeChat. Điều này giúp WeChat “vượt mặt” App Store.
Rõ ràng, WeChat đang ngày càng giống một hệ điều hành độc lập; và nếu điều này xảy ra, WeChat sẽ trở thành một thách thức lớn cho iOS và có thể sẽ phá huỷ giá trị phần cứng cao cấp của Apple.
WeChat hiện có rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm thu hút và giữ chân người dùng trong thị trường ứng dụng đầy cạnh tranh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất chính là WeChat Pay, chức năng thanh toán tích hợp của ứng dụng này. Ngoài tính năng mua sắm trong ứng dụng, WeChat còn cung cấp một giải pháp chuyển tiền vô cùng đơn giản giữa các người dùng.
Năm ngoái, khoảng 1,2 nghìn tỉ USD đã được thanh toán qua WeChat; trong đó, trung bình mỗi người dùng giao dịch 85 USD mỗi tháng với những người dùng khác. Từ năm 2015, tính năng này đã cho phép người dùng “típ” cho các nhà sáng tạo nội dung độc lập (ví dụ các nhà văn, các nhạc sĩ hay các nghệ sĩ hài giao lưu trực tuyến…) khi họ cung cấp sản phẩm.
Dù không phải là ứng dụng đầu tiên, nhưng WeChat lại là ứng dụng lớn nhất có tích hợp tính năng này tại Trung Quốc. Trong vòng hơn hai năm qua, WeChat đã tạo ra một cuộc cách mạng mà trong đó hàng triệu loại hình sáng tạo cùng cạnh tranh nhằm dành tiền “típ”. Điều này giúp mở rộng đáng kể các loại hình giải trí chất lượng cho người dân Trung Quốc. Hiện nay, những câu chuyện về các nghệ sĩ kiếm sống từ tiền típ không còn quá xa lạ, và “người nổi tiếng trên mạng” đã trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người trẻ Trung Quốc.
Đây rõ ràng là một ngành kinh doanh đang nở rộ tại Trung Quốc. Và mong muốn bước một chân vào ngành kinh doanh này của Apple là hoàn toàn dễ hiểu. Thị phần smartphone của Apple tại Trung Quốc đã giảm đáng kể trong hai năm trở lại đây. Apple Pay – đòn đáp trả WeChat Pay của Apple – không lọt top 10 hệ thống thanh toán điện tử tại Trung Quốc. Vì vậy, có vẻ như các khoản típ mà hàng triệu nhà thiết kế, sản xuất phim, nhạc sĩ và nhà văn sử dụng là một nguồn lợi nhuận mới với Apple. Nhiều trang web nhỏ hơn đã bắt đầu áp dụng quy định mới.
Tuy nhiên, WeChat đã từ chối bắt tay với Apple bởi nhiều tháng trước. Lời từ chối này không khác nào một vụ cá cược rằng qua thời gian, người dùng sẽ từ bỏ iPhone và chuyển sang các nền tảng khác nếu Apple tiếp tục thu tiền hoa hồng.
Trong những tuần gần đây, sự giận dữ của cộng đồng mạng đối với Apple càng tăng cao. Apple cần nghiêm túc cân nhắc hiện trạng này.
Trong khi WeChat đang phát triển thành một hệ điều hành với lượng người dùng Trung Quốc cao hơn so với người dùng iOS, thì tầm ảnh hưởng của Apple lại suy yếu dần. Vì vậy, Apple dường như đang vô tình buộc những người dùng smartphone Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn: iPhone hay WeChat?