Vẫn còn hơn 5.000 giấy phép con, "chiến đấu" như hiện nay liệu đã đủ?
Giấy phép và đăng ký kinh doanh (ĐKKD), một mặt đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, làm cho nền kinh tế tăng thêm chi phí, ghánh nặng, và khiến nhiều doanh nhân mất động lực. Một mặt lại là mảnh đất màu mỡ, tạo môi trường cho tham nhũng – cả trực tiếp lẫn bằng chính sách. Do đó, việc tích cực tìm cách gỡ bỏ giấy phép và ĐKKD như hiện nay là lựa chọn “đúng” và “trúng” của Chính phủ.
- 10-08-2017‘Lập tổ đặc nhiệm để dẹp giấy phép con’
- 09-08-2017Cài cắm lợi ích nhóm vào giấy phép con
- 05-08-2017Hiểu thế nào về 'giấy phép con' ?
- 23-07-2017Giấy phép con: Cắt cái này, lại "mọc" cái khác!
Tôi vẫn muốn nhắc lại bài học của Hàn Quốc, khi quốc gia này đã coi việc cắt giảm giấy phép và quy định hành chính (de-regulation) đồng thời cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh (regulatory reform) là biện pháp cốt lõi để cải cách nền kinh tế.
Thời điểm tháng 1/1998 Hàn Quốc thống kê có 11.000 quy định hành chính về kinh doanh. Chỉ sau một năm rà soát, hơn 5.000 quy định kinh doanh đã được bãi bỏ; gần 2.500 quy định khác được sửa đổi. Kết quả là, Hàn Quốc không những vượt qua khủng hoảng mà còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh để vững chắc bước vào nhóm các nước phát triển như hiện nay.
Dù ủng hộ lựa chọn của Chính phủ, nhưng qua nghiên cứu về cải cách giấy phép và ĐKKD từ năm 1999 đến nay, cũng như đánh giá các hoạt động cắt bỏ giấy phép hai năm qua, tôi cho rằng, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi cách làm hiện nay, rất khó có thể đạt được những kết quả đột phá. Rất nhiều nguyên nhân có thể kể ra, tuy nhiên, phải kể đến bốn lí do chính sau.
Thứ nhất, cách làm giao cho các Bộ tự rà soát và sửa đổi các loại giấy phép sẽ không thể hiệu quả do tính xung đột về lợi ích của các Bộ. Giấy phép là quyền lợi, là “nồi cơm” của nhiều Bộ ngành. Do đó, không ai “lấy đá ghè chân mình”.
Điều đó đã từng được chứng minh trong giai đoạn 1999 – 2006, tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp lúc đó đã phải “mặc cả” với các bộ ngành để bỏ từng giấy phép một.
Đến giai đoạn sau 2007, khi thẩm quyền rà soát và bãi bỏ được giao về cho các Bộ, các Bộ không những không bãi bỏ thêm giấy phép nào mà còn liên tục được sản sinh. Điều đó vẫn tiếp tục đúng khi chúng ta nhìn vào việc sửa đổi các loại giấy phép – ĐKKD hiện nay: Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô, Nghị định 109 về xuất khẩu lúa gạo – tiến trình thực hiện đang rất chậm; các dự thảo chưa cho thấy những tiến bộ căn bản trong bãi bỏ giấy phép và ĐKKD.
Thứ hai, cách làm hiện tại vẫn là nỗ lực một chiều, từ trên xuống của Chính phủ. Doanh nghiệp không thể chủ động tham gia, cũng không có vai trò đáng kể nào trong việc loại bỏ ĐKKD và giấy phép. Cần nhớ, giấy phép con bất hợp lý, giấy phép ban hành trái luật đang xâm phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không thể tự bảo vệ mình, không thể kiện lên tòa án để yêu cầu bãi bỏ những văn bản trái luật mà phải chờ cơ quan hành pháp – tức Chính phủ, bãi bỏ. Giấy phép bất hợp lý không thể nào cắt bỏ được tận gốc nếu doanh nghiệp không được trao quyền khởi kiện giấy phép bất hợp pháp, bất hợp lý.
Thứ ba, vấn đề giấy phép không chỉ là vấn đề riêng rẽ của hệ thống hành pháp. Tòa án, các thiết chế tư pháp đóng vai trò quan trọng cho các thiết chế thị trường vận hành, đặc biệt để giải quyết các tranh chấp. Sự chưa hiệu quả của hệ thống tòa án và thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa hiện nay khiến sức ép can thiệp hành chính gia tăng. Đó là vì các tranh chấp trên thị trường, nếu không được giải quyết qua tòa án, sẽ làm hỗn loạn thị trường và tạo sức ép buộc phải can thiệp hành chính.
Thứ tư, Chính phủ mới chỉ đụng chạm đến vấn đề “số lượng” tức cắt bỏ giấy phép và thủ tục hành chính chứ chưa thực sự có những cải tổ để tăng chất lượng giấy phép.
Điểm số về chỉ số chất lượng quy định pháp luật về kinh doanh (Regulatory Quality) (nằm trong bộ chỉ số WGI – Worldwide Governance Index) do Ngân hàng thế giới thực hiện, cho thấy Việt Nam kém khá xa so với Thái Lan, Indonesia chứ chưa nói đến Hàn Quốc, Singapore.
Chất lượng quy định lại do một loạt các yếu tố thể chế quyết định – động cơ và xung đột lợi ích của cơ quan ban hành quy định (cơ quan ban hành giấy phép lại vừa là cơ quan cấp phép); sự thiếu hiểu biết, thậm chí nhầm lẫn về vai trò của nhà nước với thị trường; các thiết chế kỹ thuật nhằm đánh giá tác động của quy định (ví dụ như RIA) …
Những vấn đề đó là những vấn đề lớn mà gần hai thập kỷ chiến đấu với giấy phép và ĐKKD (từ năm 1999 đến nay) vẫn chưa giải quyết được. Trong khi đó, cách làm của Chính phủ vẫn chưa có thay đổi đáng chú ý.
Đó là lý do khiến tôi quan ngại rằng, dù có quyết tâm cao, kết quả cải cách giấy phép và ĐKKD của Chính phủ khó có thể có đột phá. Nếu vẫn duy trì cách làm này - có cắt bỏ nhỏ giọt các giấy phép – mà không đi kèm với cải cách hệ thống quy định hành chính (regulatory reform), không tiến hành thay đổi triệt để cấu trúc bộ máy hành pháp, Chính phủ sẽ khó lòng đạt mục tiêu đề ra.