Vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ cổ phần chi phối ở doanh nghiệp Nhà nước
Cổ phần hóa các DNNN vẫn đang được thúc đẩy, nhưng vẫn còn tình trạng chậm trễ, trì hoãn triển khai chủ trương quan trọng này. Ngay cả với các DNNN đã cổ phần hóa, việc chậm lên sàn chứng khoán theo quy định khiến dư luận lo ngại cổ phần hóa nửa vời. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính)
- 08-06-2016Đất công và số phận sau cổ phần hóa
- 28-05-2016Bí thư Thăng: “Cổ phần hóa đi, lương cậu sẽ tăng gấp 10 lần”
- 26-05-2016Vì sao giá trị đất trong cổ phần hóa thấp?
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016 đã có 37 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong đó có 6 Tổng công ty là: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.
Thưa ông, công tác cổ phần hóa đang được đẩy mạnh. Nhưng nhiều cơ quan chủ quản vẫn muốn được nắm cổ phần chi phối ở các DNNN khi cổ phần hóa. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Hiện tại một số Bộ vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối DN. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa.
Với từng phương án nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho DN sẽ dẫn tới phương án cổ phần hóa không hiệu quả và sau cổ phần hóa không thay đổi gì. Điều quan trọng là chất lượng phương án cổ phần hóa. Bởi vậy, nếu phương án cổ phần hóa được các nhà đầu tư quan tâm thì các Bộ nên có thay đổi và Chính phủ cũng đồng ý cho phép các Bộ đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ vốn Nhà nước khi cổ phần hóa ở những DNNN do Bộ làm chủ quản.
Đối với DN bán cổ phần với tỷ lệ rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát để tổng hợp báo cáo Chính phủ, để đề xuất giải pháp xử lý thúc đẩy việc thực hiện phương án cổ phần hóa đã phê duyệt.
Thực tế cho thấy một trong các nguyên nhân không bán được vốn, không có nhà đầu tư tham gia là do Nhà nước còn nắm tỷ lệ vốn lớn.
Tiến độ thoái vốn ngoài ngành cho đến nay vẫn còn khá chậm trễ, có phần chững lại. Vì sao lại có sự chững lại này, thưa ông?
Tiến độ thoái vốn ngoài ngành các khoản đầu tư trước năm 2011 cho đến nay vẫn chậm trễ một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ. Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu.
Cắt lỗ là phần khó nhất. Theo đó, cổ phần tại những DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư và khó bán, tiến độ thoái vốn không thể nhanh như việc bán cổ phần tại những DN hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, với những khoản đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang có sự vào cuộc của cơ quan điều tra thì nhà đầu tư cũng phải chờ đợi kết quả điều tra mới thực hiện được.
Khi thoái vốn Nhà nước, những khu đất đẹp, dự án tốt đều rơi vào tay các “đại gia”. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Nhà đầu tư mua lại DN để tái cơ cấu nhằm kinh doanh hiệu quả hơn thì Nhà nước bán, miễn sao đúng pháp luật. Các đại gia đều là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, họ làm tốt ta nên khuyến khích. Chỉ cần đảm bảo mua bán công khai theo cơ chế thị trường.
Dù vậy, không loại trừ trường hợp nhà đầu tư đánh bóng mình, gây lầm tưởng có điều kiện, nhưng thực chất chỉ ôm dự án rồi bán lại. Như vừa qua không ít nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, tiền đặt cọc tham gia đấu giá nhưng khi trúng thầu lại bỏ thầu. Vì vậy, thời gian tới Nhà nước sẽ đánh giá năng lực tài chính nhà đầu tư trước khi bán dự án, DN Nhà nước và giới hạn thời gian nếu không triển khai sẽ thu hồi.
Trong quá trình cổ phần hóa, ông đánh giá khâu nào là quan trọng nhất?
Khâu quan trọng nhất là khâu chuẩn bị cổ phần hóa, trong đó có việc lựa chọn cổ đông chiến lược và chọn được tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa, xây dựng hình ảnh DN trong tương lai… để bán thành công. Tất cả trường hợp DN vừa qua bán cổ phần không thành công không phải tất cả do thị trường mà xuất phát từ trình độ tư vấn chưa đạt yêu cầu.
Tư vấn cổ phần hóa phải có trình độ, có chất lượng. Xây dựng phương án cổ phần hóa mà cứ chép y nguyên phương án của người khác như chép sách giáo khoa thì không được.
Nếu bán vốn không thành công thì phải xem lại trách nhiệm của tư vấn cổ phần hóa. Nếu chỉ bán được 1-2% thì không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy sắp tới Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải khắt khe hơn trong việc lựa chọn tư vấn để đảm bảo chất lượng tư vấn cổ phần hóa.
Việc DN đưa cổ phiếu lên UPCoM sau cổ phần hóa đã được quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Tuy nhiên, có một thực tế nhức nhối là, nhiều DN sau cổ phần hóa trì hoãn việc lên sàn. Vấn đề này sẽ giải quyết thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc DN sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn Upcom. Tới đây sẽ có chế tài xử lý việc chậm trễ lên sàn. Vấn đề là các DN có đủ điều kiện niêm yết không.
Qua kiểm tra đối với các doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy, khi niêm yết rồi thì cổ phiếu sẽ được mua đi bán lại, trong đó có những cổ đông không phải trong ngành dệt may. Trong Đại hội đồng cổ đông, DN muốn bàn về TPP và các vấn đề trong ngành nhưng cuối cùng các cổ đông chỉ hỏi tỉ suất năm sau cao hơn không thôi, chứ không tập trung vào việc phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm.
Nhiều DN dệt may lo là mai mốt lên sàn mà các cổ đông không chung tay để phát triển ngành nghề thì không biết sẽ thế nào. Nếu chỉ muốn lợi nhuận cao thì nguy hiểm. Có những vấn đề DN trao đổi chúng tôi cũng thấy hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong quá trình cổ phần hóa cần quan tâm công tác xây dựng điều lệ công ty cổ phần, nếu điều lệ quy định doanh nghiệp phải tập trung vào ngành nghề dệt may, bám sát, cụ thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp, của ngành thì các lo lắng trên sẽ được giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Yêu cầu BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt là theo đúng quy định. Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng:
Ngân hàng của nước ta khiêm tốn về tài sản so với khu vực nên nhu cầu tăng vốn là có. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng vốn. Phát hành tăng vốn từ phần cổ tức giữ lại không phải là giải pháp căn cơ vì số vốn rất nhỏ, không đáng kể. Nếu ngân hàng thương mại cần tăng vốn thì có nhiều giải pháp mạnh hơn, như thoái bớt vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu chứ không phải bổ sung vốn một cách nhỏ giọt vì nguồn cổ tức giữ lại không nhiều.
Việc Bộ Tài chính muốn BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt là thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải do ngân sách khó khăn. Kể cả ngân sách không bội chi lớn thì vẫn phải yêu cầu thu, vì đây là DN có vốn đầu tư của Nhà nước, lợi nhuận phải đóng vào ngân sách, vì đây là tiền vốn của dân.
Báo hải quan