MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vấn đề đau đầu nhất" khi sửa Luật Chứng khoán

Dự thảo luật Chính phủ trình dù có trao thêm một số thẩm quyền song Uỷ ban Chứng khoán nhà nước vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính...

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 9, sáng 26/4 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Tờ trình dự án luật của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày vẫn là tờ trình ngày 22/3/2019, đã được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp giữa tháng 4 vừa qua.

Ông Hải cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều.

Thứ trưởng Hải cũng nêu một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý. Như, về chào bán chứng khoán đã tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hoá một số điều kiện như vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành...

Dự thảo luật cũng nâng điều kiện công ty đại chúng có vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Lần sửa đổi này cũng nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính lên 3 tỷ đồng với tổ chức (hiện là 2 tỷ) và 1,5 tỷ với cá nhân (hiện là 1 tỷ) ...

Những nội dung sửa đổi, bổ sung còn liên quan đến thị trường giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán...

Đáng chú ý, Chính phủ không đặt vấn đề sửa đổi, song Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh vấn đề đau đầu nhất mà Thường trực Uỷ ban này rất băn khoăn đó là địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Dự thảo luật Chính phủ trình dù có trao thêm một số thẩm quyền song Uỷ ban Chứng khoán nhà nước vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu để có mô hình độc lập hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, tăng cường sự minh bạch, thu hút nhiều hơn nguồn vốn của các nhà đầu tư.

Theo mô hình hiện tại thì nhiều vấn đề phải xin ý kiến Bộ Tài chính, xin ý kiến Chính phủ thì có đáp ứng được việc xử lý những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán vốn diễn biến rất nhanh hay không? ông Thanh đặt vấn đề.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Chứng khoán sẽ quyết định sự thành công của thị trường chứng khoán, ông Thanh nhấn mạnh.

Góp ý đầu tiên, chuyên gia Lê Văn Châu, người được chủ toạ phiên họp giới thiệu là người đặt viên gạch đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam ủng hộ quan điểm Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập và phải được trao đầy đủ quyền để thực thi nhiệm vụ hiệu quả nhất.

Cho rằng đã mang ra Quốc hội bàn thì không nên coi vấn đề gì là tế nhị hay nhạy cảm, chuyên gia Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn khi tờ trình dự án luật không có chữ nào về vị trí của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trở lại thời điểm quyết định chuyển Uỷ ban Chứng khoán nhà nước từ Chính phủ về Bộ Tài chính, ông Phúc nói khi đó ở Quốc hội rất nhiều ý kiến không đồng ý, và lý lẽ để thuyết phục là đưa Uỷ ban về Bộ để giúp cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiêp nhà nước. Bây giờ bối cảnh gắn với cổ phần hoá có còn hợp lý nữa không? ông Phúc đặt vấn đề.

Ông Phúc cũng cho rằng không nên hiểu một cách máy móc về chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vì hiểu máy móc thì không phát triển được. Bộ Chính trị và Trung ương cũng nói cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà đã hoàn thiện thì có anh cần xoá bỏ có anh cần thành lập mới, ông Phúc nêu quan điểm.

Khi làm Hiến pháp 2013 nhiều cử tri và chuyên gia cũng đề nghị cần có một số hiến định độc lập trong đó có Uỷ ban chứng khoán và được giải trình là ý kiến đó xác đáng nhưng trước mắt chỉ đưa Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng bầu cử quốc gia vào, còn lại tiếp tục nghiên cứu, ông Phúc thông tin thêm.

"Ở nhiều nước Uỷ ban Chứng khoán là một thiết chế độc lập hoạt động theo luật, còn không thuộc cả Chính phủ nữa cơ. Tư duy vẫn quản lý hành chính thì sẽ dẫn đến thị trường chứng khoán không phát triển được nữa. Việt Nam muốn thế giới công nhận nền kinh tế thị trường những tư duy vẫn hành chính", nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế bình luận.

Nhiều ý kiến khác tại phiên họp cũng đều nghiêng về quan điểm lần sửa luật này cần mở ra cơ hội để Uỷ ban Chứng khoán nhà nước "ra ở riêng".

Về cơ bản uỷ ban chứng khoán các nước đều độc lập, chỉ có 6 nước thuộc bộ tài chính, như thế là người ta cũng tính toán kỹ rồi. Nếu thực tiễn cần thì việc để uỷ ban độc lập cũng không ngại vướng quy định về tinh gọn bộ máy, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu.

Ngay cả 6 nước Uỷ ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính thì uỷ ban vẫn hoàn toàn độc lập về nhân sự, về tài chính và được ban hành văn bản pháp quy, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Kim Liên cung cấp thêm thông tin.

Các nước vào Việt Nam rất e ngại vì Uỷ ban Chứng khoán nhà nước không đủ thẩm quyền làm trọng tài, không có chức năng điều tra nên phát hiện vi phạm rất nhiều mà không xử lý được, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng phát biểu.

Bộ Tài chính đang báo cáo với Chính phủ trong giai đoạn hiện nay Uỷ ban Chứng khoán nhà nước vẫn thuộc Bộ nhưng trao thêm thật nhiều quyền trong phạm vi có thể, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải giải trình cuối phiên họp.

Uỷ ban Kinh tế sẽ lấy ý kiến các thành viên về quy định địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tại, đa số chọn phương án nào thì sẽ trình Quốc hội phương án đó tại báo cáo thẩm tra chính thức để đảm bảo tính độc lập của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết cuối phiên họp.

Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy, khai mạc ngày 20/5 tới đây.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên