Vẫn đinh ninh biếu tiền và chút hỏi han là đủ, nhưng nghe cha mẹ kể điều ước muốn chúng ta sẽ phải giật mình
Đôi lúc vào những tháng năm tuổi trẻ chúng ta bị guồng quay của cuộc sống dẫn lối đến mệt nhoài mà cằn nhằn cha mẹ lẩm cẩm, lắm điều, quên đi những giọt nước mắt chảy xuôi.
- 10-08-20194 sai lầm khiến sức khỏe cha mẹ bạn giảm sút nghiêm trọng, dễ mắc trọng bệnh
- 10-08-2019Muốn biết liệu một đứa trẻ có "triển vọng" hay không, cha mẹ hãy nhìn vào 4 đặc điểm này!
- 10-08-20194 hành động của con khiến cha mẹ cực kỳ khó chịu nhưng lại chứng tỏ trẻ vô cùng thông minh
Cuộc sống vốn dĩ nhiều điều mệt mỏi và chúng ta đã đôi lúc quên thăm hỏi và thấu hiểu chính người ngay cạnh mình. Bạn có thể biết cô bạn thân thích ăn tôm hùm, biết nhà hàng xóm ưa chuộng món cua hoàng đế nhưng bạn đã bao giờ để ý mẹ chỉ thích món đậu phụ chấm tương bần chưa?
Điều cha mẹ chưa kể
Hôm nay bạn vẫn giận mẹ giặt đồ chung để chiếc áo trắng bị ố màu, bạn vẫn mặt nặng mày nhẹ với bố vì vết sơn trên sàn nhà do bố cố sửa lại chiếc tường bố đóng đinh treo chiếc mũ cối… Nhưng mẹ cha thì đã già yếu thật rồi. Bạn có thể ngắm lại bức ảnh thời thơ bé lúc đó tóc bố mẹ vẫn còn xanh, xinh gái và đẹp trai hơn hẳn những cư dân thị thành hiện đại bây giờ. Bạn không biết từ lúc nào lưng bố mẹ còng thêm chút, tóc bạc như khói sương. Chỉ biết lúc giật mình nhìn lại, mẹ cha đã già từ lúc nào, chỉ có yêu thương vẫn miệt mài trao đi.
Tôi đến khu dân cư HH Linh Đàm, Hà Nội, nơi có khá nhiều người cao tuổi sinh sống, để nghe nỗi lòng của những bậc sinh thành, về những điều cha mẹ chưa kể, về những yêu thương vô điều kiện họ dành cho con mình.
100% câu trả lời của các bậc cha mẹ lớn tuổi về "mong muốn lớn nhất bây giờ" đều là mong cho các con cháu khỏe, vui, gia đình hạnh phúc. Họ cũng có mong ước bản thân mình cũng được khỏe mạnh, nhưng nói kĩ ra thì đến ngay cả điều này cũng không phải cho bản thân mình.
Với cô Lê Thị Hoa, 60 tuổi, sau lo cho con thì giờ là lo cho cháu, điều cô chưa hài lòng về con vẫn chẳng phải là thiếu sự tôn nghiêm của con cái với mình, mà chỉ là: "Đôi lúc chỉ là trong việc dạy dỗ các cháu, tôi muốn mẹ chúng nó thấy con sai thì dạy bảo từ từ chứ không phải là quát tháo ngay. Tôi lại ngồi ngay đó vừa thương cháu, vừa có chút chạnh lòng. Đôi lúc tham gia ý kiến, thì có khi các con lại bảo ông bà đi sâu quá vào cuộc sống riêng tư của chúng. Nhưng thực tế, cá chuối đắm đuối vì con, lúc nào tôi cũng chỉ mong điều tốt đẹp cho các con cháu. Chúng được khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc là tôi cũng hạnh phúc lây rồi. Chứ chúng tôi cũng đâu có mong cầu gì cho bản thân đâu".
Bác Đoàn Quang Vinh, 64 tuổi, thì dù không sống chung với con cái nhưng vẫn cho rằng cuộc sống cha mẹ lúc xế chiều chỉ còn là những năm tháng còn lại. Lương ông bà đủ ăn đủ tiêu nên chỉ cần tinh thần và sự động viên của con là vui vẻ, phấn khởi. Bởi thế, món quà lớn nhất ông nhớ mãi chính là chiếc xe máy cô con gái tặng bố mẹ. Đó là món quà vật chất nhưng cho thấy được tinh thần con cái đã hiểu được tấm lòng cả mẹ cha, ghi nhận công lao của cha mẹ cho con.
Khi tuổi đã xế chiều, vào thời khắc ngọn đèn trước gió, không phải bậc ông bà, cha mẹ tham sống, sợ chết, nhưng sau khi phần các con tốt rồi, đến thân mình không ốm đau bệnh tật cũng là để đỡ trở thành gánh nặng cho con cái về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, không ít các ông bà tìm niềm vui chung bằng những hoạt động thể dục, thể thao hữu ích như thái cực quyền, khiêu vũ... để rèn luyện về thể lực, trí lực cho bản thân. Bởi ngọn đèn trước gió chẳng biết khi nào sẽ tắt, nên họ tìm niềm vui trong những tâm sự tuổi già, trong việc làm cho chính mình trở nên nhanh nhẹn hơn, suy nghĩ phóng khoáng hơn, để trước nhất đỡ trở thành gánh nặng cho con cái.
Tư tưởng của các bậc cha mẹ được hỏi đều biết thông cảm với những khó khăn vất vả của nhịp sống hiện đại, với áp lực công việc của con cái và cố gắng thích nghi với tư tưởng mới, học hỏi lớp trẻ, sống bao dung, sống tích cực để không là gánh nặng cho con cái, giúp đỡ con được chút nào hay chút ấy.
Như bác Nguyễn Đình Nhữ, 78 tuổi, cho biết: "Một chút lắng nghe để 2 thế hệ nghe được tiếng nói của nhau, gia đình sẽ ấm êm hạnh phúc. Người già được động viên, con cái có chỗ dựa lớn chính là cha mẹ mình".
Bác Líu thì cho rằng cha mẹ cũng nên cố gắng tiết chế cảm xúc. Đợi khi con cái bình tĩnh thì nói chuyện mới có ích, còn nếu không nói trong lúc tức giận cũng chả có tác dụng gì, có khi con cái nói lại một câu còn đau hơn. Thậm chí bác Líu cũng còn cho rằng mẹ già nhiều lúc chẳng khác gì "ô sin cao cấp" nhiều lúc cũng bực tức, nhưng thương con thì thương cháu, thương con trai thì thương con dâu mà giữ hòa khí gia đình. Còn các con nếu chịu khó để ý ngược lại một chút thì sống chung vui vẻ không phải là chuyện khó, cha mẹ cũng được an vui tuổi già.
Bác Líu kể cho tôi nghe câu chuyện của riêng mình về lần phát khóc vì "dỗi" con hôm ấy. Bác Líu tham gia lớp thái cực quyền nhưng hôm đó lớp sinh hoạt về muộn, thấy các con chẳng nấu cơm, nấu nước gì cả, vừa mệt vừa đói bác đã bỏ xuống dưới sân khu chung cư để khóc.
"Nói thật giờ công việc áp lực các con bận rộn nên để quan tâm kĩ càng đến cha mẹ thì khó. Tôi chồng mất rồi nên có mỗi con để tâm sự, cũng có lúc tủi thân, cũng có lúc buồn. Chuyện hôm ấy tôi tự đi ăn bát phở và ngồi ở dưới sân khu chung cư khóc như đứa trẻ. Con trai sau đi tìm nói có gì mẹ phải nói ra. Tôi bảo các con bình thường đi sớm, về khuya mẹ đều cơm lành, canh ngọt. Nhưng có ngày mẹ bận, mẹ về muộn mà các con cơm nước cũng không nấu. Con trai tôi bảo thế lần sau mẹ chỉ cần nói với chúng con. Nhưng tôi bảo có những việc các con cũng phải tự hiểu. Tuy thế, ngồi một lúc thì cũng nguôi ngoai tôi cũng phải bảo vợ con cũng không có lỗi, nó ngoan ngoãn, chỉ hơi vô tâm một chút thôi. Tôi cũng phải nhận lỗi về phần mình để giữ hòa khí cho gia đình. Vậy là con trai bảo thế thôi mẹ đừng có chấp. Tôi cũng ừ mẹ không chấp nữa, khóc xong là xong rồi", bác Líu kể về lần phát khóc vì sự vô tâm của con cái như thế.
Bác Líu cũng nói thêm người già giờ cũng phải thông cảm cho các con thì mới chung sống được, nhưng thật sự cũng chỉ cần các con biết quan tâm hơn chút nữa đến cha mẹ có tuổi dễ dỗi dễ hờn, nhưng nếu được quan tâm sẽ không có cơ hội mà dỗi nữa.
Với cô Dung, ̉̀65 tuổi, thì dù luôn cho rằng mình may mắn có con cái thương yêu. Nhưng cô vẫn thổn thức mỗi dịp Vu Lan khi nghĩ tới mẹ mình: "Mẹ tôi mất vào năm khi tôi 54 tuổi, nhưng lúc đó tôi vẫn như một đứa trẻ, chưa làm được việc gì cho mẹ, tôi cũng chưa có 1 ngày nào chăm sóc mẹ già khi còn sống. Đó là điều hối tiếc nhất của tôi. Bố thì mất từ lúc còn trong bụng mẹ, nên thực sự lúc mẹ ra đi tôi rất nhớ và bây giờ vẫn thế. Tôi đã hụt hẫng khi mẹ mất đi biết bao nhiêu. Bây giờ để dạy bảo con rất khó, nên tôi cũng chỉ biết sống tử tế để làm gương cho các con nhìn vào".
Bác Chút, 72 tuổi, đang mắc căn bệnh ung thư nhưng đang sống 1 mình. Bác Chút nói rằng đây là sự lựa chọn của mình, chứ con cái không bỏ rơi bác. Thế nhưng bác vẫn sống cùng nỗi sợ một ngày lịm đi và không ai hay biết. Để an ủi mình bác lại tự nhủ: "Sống chết có số". Mong muốn của bác Chút rất đơn giản thôi: "Bác cũng chỉ mong các con quan tâm hơn chút nữa và thông cảm với bệnh tật của người già. Cuối đời này chỉ mong thế thôi".
Con cái chúng ta đôi khi chỉ vô tâm thôi, nhưng mong ước nhỏ ấy có khiến bạn chạnh lòng không? Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể bởi sau này có những nỗi ân hận bạn muốn trả thì có thể cũng đã quá muộn rồi...
Helino