MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không' của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!

20-12-2019 - 09:15 AM | Doanh nghiệp

Ý tưởng của Son là bơm hàng trăm triệu USD cho các nhà sáng lập rồi thúc giục họ chi số tiền đó với tốc độ "tên lửa" nhằm khiến đối thủ cạnh tranh chùn bước, cho phép quỹ Vision kiếm lợi từ đó. Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Son nói: "Chẳng ai muốn đánh nhau với một gã điên cả".

Công ty đầu tư mạo hiểm của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son vốn nổi tiếng với việc đặt cược quá lớn vào các startup công nghệ trên toàn thế giới. Ngoài ra, nơi đây còn được miêu tả là một môi trường của sự quấy rối và nịnh bợ.

Cứ khoảng sáu tuần, quỹ Vision của SoftBank (nguồn lớn nhất bơm tiền vào Thung lũng Silicon) lại triệu tập một cuộc gọi hội nghị video trong nhiều giờ, gồm 75 người thuộc ba châu lục khác nhau để bàn về các startup mà họ đầu tư vào. Masayoshi Son, tỷ phú người Nhật và người sáng lập SoftBank - công ty mẹ của quỹ Vision, thường gọi điện từ Tokyo.

Theo một số người thường xuyên tham gia các cuộc gọi, Son có thể rất ôn hòa nhưng cũng có thể vô cùng tức giận, mắng mỏ những người thuyết trình và yêu cầu các bộ số liệu thay đổi liên tục. Hoặc vị tỷ phú thể hiện cả hai sắc thái đó trong cùng một buổi họp, không ai đoán trước được tâm trạng của ông!

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 1.

Tỷ phú Masayoshi Son.


Trong một cuộc gọi năm 2018, ba người tham gia (giấu tên) cho biết, một đối tác quản lý quỹ Vision có tên Kentaro Matsui đã trình bày các biểu đồ cho thấy sự phát triển ổn định nhưng khá chậm của công ty Full Truck Alliance của Trung Quốc. Kết quả là Son chuyển sang "chế độ" thịnh nộ, chỉ trích Matsui vì quá bảo thủ và yêu cầu người này đẩy nhanh dự đoán tăng trưởng doanh thu và định giá công ty. Son nói: "Anh quá giống một người làm ngân hàng. Nếu không tìm cách đổi mới, tôi sẽ thay đổi vị trí của anh!".

Đó là vấn đề của Son: Bất cứ cách tiếp cận nào mà ông ấy chọn, vấn đề luôn là "được ăn cả ngã về không". Thái độ này là một điểm khác biệt của quỹ Vision kể từ khi nó đặt chân đến Thung lũng Silicon ba năm trước. Nó xác định một startup để rót tiền vào, thúc đẩy nhà sáng lập mở rộng nhanh chóng và thu lợi nhuận từ mức định giá bị thổi phồng.

Phương pháp này có vẻ vẫn hoạt động tốt cho đến năm nay, khi khoản đầu tư nổi bật nhất của quỹ Vision là startup chia sẻ văn phòng WeWork lâm vào khủng hoảng và tự hủy hoại chính mình.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 2.

Masayoshi Son và nhà sáng lập WeWork, Adam Neumann.


Một điểm khác khiến quỹ Vision trở nên khác biệt là phần lớn tiền của nó đến từ Ả Rập Saudi. Son đã huy động được 45 tỷ USD từ quốc gia này. Thái tử Mohammed bin Salman chính là người ủng hộ quỹ đầu tư của Son năm 2016.

Năm 2017, quỹ Vision đã đầu tư hơn 21,2 tỷ USD vào 19 công ty, bao gồm cam kết 4,4 tỷ USD cho We Co., công ty mẹ của WeWork. Điều này khiến người ta hoài nghi về độ liều của Son. Steven Kaplan, một nhà đồng sáng lập chương trình khởi nghiệp tại Đại học Chicago nói rằng lần duy nhất thế giới chứng kiến một khoản tiền đầu tư khổng lồ vào ngành công nghệ là những năm 1999, 2000.

Chiến lược mà Son và các đối tác quản lý của ông theo đuổi thường là đặt cược lớn vào những startup lớn nhất: WeWork (10,7 tỷ USD), Uber (7,7 tỷ USD), nhà sản xuất pizza theo yêu cầu Zume (375 triệu USD) và ứng dụng dắt cho đi dạo Wag (300 triệu USD).

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 3.

Ứng dụng dắt chó đi dạo Wag nhận 300 triệu USD đầu tư từ SoftBank.


Ngoài ra, họ còn rót tiền vào một số công ty trí tuệ nhân tạo khác. Có một sự thật là danh mục đầu tư mở rộng nhanh như vũ bão của Son đều khá hú họa và ngớ ngẩn, dẫn đến một bộ sưu tập những nỗi thất vọng lớn và thậm chí là thảm họa đầu tư như WeWork.

Các nhà đầu tư tinh tường của SoftBank đã tự thuyết phục bản thân rằng WeWork cùng khoản lỗ hoạt động khổng lồ và hành vi điều hành không đáng tin cậy của nhà đồng sáng lập Adam Neumann không phải vấn đề nghiêm trọng cho đến khi các nhà đầu tư khác trên thị trường cảnh báo họ về nguy cơ tiềm tàng của startup này.

Hơn nữa, vấn đề với quỹ Vision không dừng lại ở các khoản đầu tư thất bại. Nhiều nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của quỹ và tập đoàn SoftBank miêu tả đây là môi trường mang đậm tính nịnh bợ Masayoshi Son, tràn ngập sự ganh đua và quấy rối.

Lớn lên tại Nhật trong một gia đình trung lưu, Son từng kiếm được rất nhiều tiền nhờ đầu tư vào công nghệ trong những năm 1990. Đã có thời điểm ngắn, ông vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới và cũng có thời điểm ông gần như trắng tay trong vụ nổ bong bóng dot com để sau đó giành lại tất cả.

Năm 2000, Son đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba và hiện cổ phần của ông tại gã khổng lồ thương mại điện tử này trị giá hơn 130 tỷ USD. Thành công đầu tư vang dội đã dẫn đến việc Son thành lập quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD năm 2016.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 4.

Masayoshi Son và Jack Ma.


Chiến lược quan trọng nhất đằng sau quỹ Vision liên quan đến một nguyên tắc của Masa: Khoản tiền lớn đồng nghĩa với lợi thế chiến lược lớn. Ý tưởng là bơm hàng trăm triệu USD cho các nhà sáng lập rồi thúc giục họ chi số tiền đó với tốc độ "tên lửa" nhằm khiến đối thủ cạnh tranh chùn bước, cho phép quỹ Vision kiếm lợi từ đó. Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Son nói: "Chẳng ai muốn đánh nhau với một gã điên cả".

Nhiều nhà sáng lập được SoftBank hậu thuẫn đều có câu chuyện liên quan đến Son. Nó thường bắt đầu bằng việc được gọi lên tầng 26 của trụ sở có cửa kính màu xanh của tập đoàn ở Tokyo hoặc đến nhà vị tỷ phú ở Woodside, California. Người này có thể ngồi đối diện với Son, trả lời vài câu hỏi và được nhận xét là ý tưởng của họ có tiềm năng hơn họ nghĩ. Đến cuối cuộc trò chuyện, họ thậm chí còn được gọi là "Jack Ma tiếp theo".

Khi startup được rót tiền và Son tham gia vào việc điều hành, nhiều nhân viên đã nghi ngờ mô hình kinh doanh của công ty. Chẳng hạn như sau khi quỹ Vision đầu tư 375 triệu USD vào Zume Pizza, startup sử dụng robot để tự động hóa việc làm pizza, CEO Alex Garden đã mở rộng mục tiêu, bao gồm việc thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất thực phẩm của Mỹ. Trong một cuộc họp năm ngoái, một câu hỏi nặc danh đã được nêu ra: "Liệu chúng ta có phải Theranos (startup từng rất nổi tiếng nhưng sau đó thất bại nặng nề) tiếp theo hay không?". Một thời gian sau, Zume Pizza vẫn chẳng có kế hoạch cách mạng hóa sản xuất thực phẩm nào ra hồn hay đơn giản là bắt đầu có lãi.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 5.

Một số startup trong danh mục đầu tư của quỹ Vision.


Gần 500 nhân viên của quỹ Vision làm việc tại các tòa văn phòng trên khắp thế giới nhưng hầu hết giám đốc cấp cao của quỹ đều làm việc tại một tòa nhà ở London. Theo một số nguồn tin thân cận, Son chưa đến thăm trụ sở của quỹ trong vòng hai năm trở lại đây.

Son đã đưa Rajeev Mirsa, một người có nhiều năm kinh nghiệm tại phố Wall để lãnh đạo quỹ Vision. Người này rất ưa chuộng những chiếc áo khoác thể thao tối màu, đi dép Gucci lông thú hoặc chân trần và thường xuyên hút thuốc lá điện tử trong các cuộc họp kinh doanh. Mirsa tuyển thêm các đồng nghiệp cũ làm ở Deutsche Bank hay Goldman Sachs.

Ngoài rót tiền vào startup, SoftBank còn đầu tư vào các công ty đại chúng bao gồm khoảng 3,7 tỷ USD cổ phần của Charter Communications Inc. vào đầu năm 2018. Vụ "chơi lớn" khổng lồ vào nhà thiết kế chip Nvidia của Mỹ đã mang về khoản lãi 2,8 tỷ USD cho SoftBank.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 6.

Khoản đầu tư vào Nvidia mang lại khoản lãi 2,8 tỷ USD cho SoftBank.


Trong suốt quá trình hoạt động, văn hóa nơi làm việc của quỹ Vision cũng được cho là không thân thiện với nhân viên. Đầu năm 2017, Govil, giám đốc tài chính của quỹ từng bị cho là xúc phạm một nhân viên người Mormon và tỏ thái độ phân biệt chủng tộc với nhân viên người Trung Quốc. Dù vậy, Govil phủ nhận rằng mình có những phát ngôn như vậy.

Ở Thung lũng Silicon, phần lớn những lời xì xào về sự kỳ lạ và hồ sơ đầu tư không chính đáng của SoftBank đều liên quan đến đối tác quản lý Jeff Housenbold, người có sở thích sưu tập siêu xe và tuyên bố sở hữu một hầm có 20.000 chai rượu dù không uống rượu.

Người trong cuộc miêu tả Jeff là người thông minh, kiêu ngạo và không biết điều. Người này từng phạm lỗi liên quan đến vấn đề tuân thủ nội bộ vào tháng 4 năm nay khi bán cổ phần cá nhân trong Guardant Health, một công ty phát hiện ung thư trong đó SoftBank là cổ đông lớn nhất. Một giám đốc của quỹ Vision đã bị sốc khi Jeff không phải đối mặt với bất cứ hình phạt nào. Về phần mình, Mirsa gọi Jeff là "đồng đội có năng lực và một trong những người có thành tích tốt nhất của tôi".

Trên thực tế, nếu học hỏi từ những sai lầm của mình, có lẽ SoftBank và Masayoshi Son đã được trao bằng tiến sỹ. Và đáng buồn thay, phần lớn nó không phải do nội bộ hay văn hóa công ty mà là do Son.

Vị tỷ phú đã bị Adam Neumann "mê hoặc" trong chưa đầy một tiếng đồng hồ, tương tự như trường hợp Jack Ma của Alibaba hay Jerry Yang của Yahoo. Son phớt lờ các cố vấn, những người cho rằng công ty chia sẻ văn phòng đối thủ của WeWork đang đưa ra các điều khoản đầu tư tốt hơn nhiều. Và thay vì mô hình thông thường, Son cho WeWork "tắm" trong tiền rồi yêu cầu tăng trưởng điên cuồng và thổi phồng mức định giá của startup này.

Son đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork cuối năm 2016, khi đó định giá công ty đạt 20 tỷ USD. Sau đó, trong một vòng tài trợ đầu năm nay, ông đã đẩy mức định giá lên tới 47 tỷ USD, nhiều hơn gấp mấy lần giá trị thực của một công ty thua lỗ, có CEO thường xuyên uống rượu tequila và hút cần sa như Neumann.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 7.

Adam Neumann là một CEO đầy bê bối.


Đến tháng 8, khi phố Wall thẳng thừng từ chối kế hoạch IPO của WeWork, SoftBank và quỹ Vision đang sở hữu 29% công ty. Không lâu sau, tập đoàn Nhật Bản đã phải đưa ra gói cứu trợ trị giá 9,5 tỷ USD để WeWork không rơi vào cảnh phá sản.

Một CEO cấp cao của SoftBank từng nói: "Son đã chọn nhầm công ty. Ông ấy không nghe bất cứ ai bàn lùi. Và giờ đây ông ấy mới nhận ra mình đã phạm sai lầm".

Về phần mình, Son trở nên lạc quan một cách kỳ lại về thảm họa WeWork. Trong bài thuyết trình về tình hình tài chính quý III/2019 của SoftBank ngày 6/11, Son đã trực tiếp thừa nhận thiệt hại do đầu tư nhiều tỷ USD vào WeWork.

Tuy nhiên, ông đã có kế hoạch: Tạm dừng ký hợp đồng với văn phòng mới, cắt giảm chi phí hoạt động và loại bỏ những mảng kinh doanh không đem lại lợi nhuận. Thế nhưng, khi nhìn kỳ vào slide trình chiếu, người ta phát hiện ra dòng chữ nhỏ bên dưới: "Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng chiến lược này sẽ thành công".

Còn nếu thành công, đây là đường đi lên khó tin về lợi nhuận của WeWork theo tầm nhìn của Son:

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 8.

Masayoshi Son nói rằng ông có kế hoạch để khiến WeWork tạo ra lợi nhuận.


Nhiều người đặt câu hỏi sự cố với WeWork kết hợp với các sai lầm khác có khiến quỹ Vision rơi vào tình trạng bất lợi hay không. Chẳng hạn như sự sụt giảm 1/3 giá trị của Uber từ khi IPO vào tháng 5 đã khiến chuyên gia lo lắng về lượng cổ phần khá lớn của SoftBank trong một số startup gọi xe khác như Didi Chuxing, Grab hay Ola Cabs. Khoảng 40 tỷ USD của quỹ Vision (bao gồm cổ phiếu ưu đãi trả 7% tiền lãi được đảm bảo hàng năm cho các nhà đầu tư bên ngoài trên số vốn cam kết của họ) sẽ khiến SoftBank lâm vào khó khăn nếu quỹ này đầu tư thất bại.

Thời điểm hiện tại, một trường hợp đáng quan tâm khác của SoftBank là chuỗi khách sạn Oyo của Ấn Độ. Quỹ Vision đã đầu tư 250 triệu USD năm 2017 và thêm 1 tỷ USD vào năm ngoái, đẩy định giá của Oyo lên 5 tỷ USD. Và đúng như thông lệ, Son đã thúc giục nhà sáng lập kiêm CEO Agarwal mở rộng nhanh chóng sang Mỹ và Trung Quốc. Startup sáu năm tuổi này thậm chí còn mua đứt khách sạn Hooters Casino ở Las Vegas, thị trường nơi họ hoàn toàn là một kẻ xa lạ với khách hàng tiềm năng.

 Văn hóa đầu tư ‘được ăn cả ngã về không của ‘gã điên’ Masayoshi Son: Cho startup ‘tắm’ trong tiền, ép founder mở rộng điên cuồng, thổi phồng định giá bất chấp kết cục thảm hại!  - Ảnh 9.

Tỷ phú Nhật Bản và nhà sáng lập Oyo.


Tháng 10 vừa qua, Agarwal và quỹ Vision đã đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Oyo, tăng gấp đôi định giá của công ty lên 10 tỷ USD, chỉ trong khoảng một năm. Theo người trong cuộc, nhà sáng lập 26 tuổi đã vay tiền từ các tổ chức tài chính để mua cổ phần Oyo còn Son thì bảo lãnh khoản vay.

Cả khoản vay và bảo lãnh của họ đều không được tiết lộ cho các cổ đông của SoftBank. Hai công ty được SoftBank hậu thuẫn khác là Grab và Didi cũng đầu tư vào Oyo. Hay nói cách khác, họ đầu tư vào những công ty cùng được SoftBank rót vốn với khoản nợ được hậu thuẫn bởi chính tập đoàn này.

Các giám đốc cấp cao của SoftBank cho biết họ có một quy trình định giá startup nghiêm ngặt cùng với các nhà đầu tư độc lập khác như Sequoia Capital, Toyota Motor và được thẩm định bởi công ty kiểm toán Delottte. Govil cho biết: "Việc định giá của chúng tôi được xác nhận bởi hơn 120 nhà đầu tư có tiếng. Nhìn rộng hơn, các khoản đầu tư của chúng tôi đã giúp tạo ra hàng nghìn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu".

Được biết, Son đã tập hợp những cấp dưới thân cận hàng đầu để thảo luận về những sai lầm của công ty. Một trong những cuộc họp như vậy diễn ra tại nhà của vị tỷ phú ở Woodside, trong đó có một bữa ăn sử dụng rau diếp và cải xoăn của Plenty, startup nông nghiệp được SoftBank hậu thuẫn.

Thời điểm này, Misra dường như đã sẵn sàng để quỹ Vision tiếp tục. Tại văn phòng của SoftBank ở California, ông nói về khoảng 9,9 tỷ USD mà quỹ đã trả cho các nhà đầu tư cũng như hàng tỷ USD cổ phiếu công khai trên sổ sách.

Trong hai năm, quỹ Vision đã đầu tư vào tám công ty IPO thành công và hai thương vụ mua lại các công ty thuộc danh mục đầu tư của mình. Ngoài ra, họ còn có 11,4 tỷ USD lợi nhuận đầu tư tích lũy. Hơn nữa, các nhà đầu tư lớn như Ả Rập Saudi, Apple và Foxconn cũng không yêu cầu khoản tiền của họ được trả lợi nhuận sớm. Đối với Misra, đây là tin khá tốt đối với một quỹ chỉ mới thành lập được gần ba năm như Vision.

Ông dự đoán sẽ còn nhiều cơ hội tốt hơn trong năm tới, một phần nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đó là lý do tại sao Son và các cộng sự đang xây dựng quỹ Vision thứ hai. Hiện vẫn chưa rõ quy mô của quỹ này nhưng rất có thể nó sẽ trị giá hơn 100 tỷ USD.


Theo Gia Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên