MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn hoá 'giải thích cho 2% thất bại' của Tim Cook đưa Apple lần đầu cán mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD

04-01-2022 - 13:41 PM | Thị trường

Văn hoá 'giải thích cho 2% thất bại' của Tim Cook đưa Apple lần đầu cán mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD

Apple đạt mức vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD vào hôm thứ 2 (3/1), tăng gấp ba lần định giá trong vòng chưa đầy bốn năm.

Vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, cổ phiếu Apple đã đạt mức cao kỷ lục trong ngày là 112,88 USD. Cổ phiếu kết thúc phiên tăng 2,5% ở mức 182,85 USD. Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên trên cán mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD (mặc dù sau đó đã giảm xuống).

Doanh số bán hàng của công ty đã tăng gần 30% lên hơn 83 tỷ USD trong quý thứ 3, kết thúc vào tháng 9. Công ty cũng có số tiền mặt khổng lồ là 191 tỷ USD.

Jake Dollarhide, giám đốc điều hành của Longbow Asset Management ở Tulsa, Oklahoma, cho biết: "Đó là một thành tích tuyệt vời và chắc chắn xứng đáng được tôn vinh. Nó chỉ cho bạn thấy Apple đã tiến xa như thế nào".

Khi Tim Cook tiếp quản vị trí giám đốc điều hành của Apple, người ta dành cho vị CEO này sự hoài nghi vô cùng lớn. Ông gánh trên vai nhiệm vụ được xem là "bất khả thi" vào thời điểm đó là bước ra khỏi cái bóng của Steve Jobs - một trong những CEO tài ba nhất thế giới.

Mười năm làm việc, Cook hiện là người điều hành một công ty có vốn hoá gần 3.000 tỷ USD. Hơn một tỷ người trên toàn thế giới sử dụng thiết bị của Apple và hàng chục triệu nhà phát triển đã xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng phần mềm của họ.

Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs vào ngày 24 tháng 8 năm 2011, chưa đầy hai tháng trước khi nhà sáng lập Apple qua đời. Kể từ đó, vốn hóa thị trường của Apple đã tăng khoảng 600% lên 2,5 nghìn tỷ USD, hiện tại đã đạt tới 3.000 tỷ USD và doanh thu hàng năm đã tăng hơn gấp đôi.

Nếu Jobs được biết đến với khả năng tạo ra những thiết bị đột phá giúp xác định lại trải nghiệm công nghệ của người tiêu dùng, thì Cook được biết đến với việc mở rộng hệ sinh thái của Apple - xây dựng các dịch vụ và sản phẩm phần cứng bổ sung cho mảng kinh doanh iPhone cốt lõi.

Ông đã tìm ra cách để giữ cho Apple phát triển mà không cần tạo ra một sản phẩm "đinh" làm thay đổi thế giới.

Dưới thời Tim Cook, Apple đã từ một nhà sản xuất thiết bị cao cấp trở thành một công ty đa lĩnh vực với các mảng kinh doanh từ dịch vụ thanh toán đến xưởng sản xuất phim và truyền hình được đề cử giải Oscar. Ông giám sát việc mua lại hơn 100 công ty, bao gồm cả thương vụ mua Beats trị giá 3 tỷ USD vào năm 2014 và mua lại 1 tỷ USD mảng kinh doanh modem điện thoại thông minh của Intel vào năm 2019.

Mike Bailey, giám đốc bộ phận nghiên cứu của FBB Capital Partners, cho biết "cú chuyển giao" từ Steve Jobs Jobs sang Tim Cook có thể là màn đổi CEO thành công nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Cđồng nghiệp và người quen mô tả Tim Cook như một người nghiện làm việc với một cam kết duy nhất dành cho Apple. Những đồng nghiệp lâu năm hiếm khi giao tiếp xã hội với Cook và khẳng định ông luôn giữ lịch trình rõ ràng với những sự kiện cá nhân.

Mặc dù những nhân viên cũ và hiện tại nói Cook tạo ra môi trường làm việc thư giãn hơn Jobs nhưng ông cũng có những nguyên tắc của riêng mình. Cook từng phát cáu khi công ty chuyển nhầm 25 chiếc máy tính cho Hàn Quốc thay vì Nhật Bản. "Chúng ta đã mất đi cam kết về sự hoàn hảo", Cook nói.

Sự khắt khe của Cook cũng tạo áp lực cho các nhân viên cấp dưới mỗi khi bước vào cuộc họp. "Câu hỏi đầu tiên là: 'Joe, hôm nay chúng ta sản xuất bao nhiêu chiếc', '10.000 chiếc', 'Năng suất là bao nhiêu?', '98%'. Sau đó, ông ấy sẽ nói: 'Được rồi, hãy giải thích cho 2% thất bại'. Tôi làm sao mà biết được", Joe O’Sullivan, cựu lãnh đạo của Apple, kể lại.

Cook nói rằng ông không có kế hoạch làm việc tại Apple trong 10 năm nữa. Nhưng hầu hết những người theo dõi công ty đều mong đợi ông sẽ gắn bó với Apple thêm thời gian lâu hơn.

Trong khoảng thời gian đó, ông có thể ra mắt rất nhiều thứ định hình cho tương lai của công ty cũng như thị trường công nghệ, bao gồm cả việc phát hành một chiếc xe hơi Apple và kính AR thực tế ảo đã được đồn đại từ lâu, cũng như nỗ lực không ngừng để xây dựng chip riêng cho các thiết bị của mình.

Tham khảo: Reuters, CNN

Khánh Huyền

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên