MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ khoán xe công

Mức khoán xe công dựa trên thực tế số km đã đi, chi phí thực tế hiện nay cộng với "bí mật tìm hiểu"... - đại diện Ban soạn thảo quy định cho biết.

Chức danh cao khoán 10 triệu đồng/tháng là hợp lý

Tại buổi họp báo chuyên đề về ô tô công chiều 8/3, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đang dự thảo sửa đổi bổ sung quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô công. “Sau một năm thực hiện quản lý xe ô tô công, các bộ, ngành và địa phương đều thực hiện nghiêm túc. Tất cả bộ, ngành và địa phương đã có báo cáo. Sau Bộ Tài chính, Hà Nội và Bộ Ngoại giao đã thực hiện việc khoán định mức sử dụng xe công, tới đây sẽ có thêm Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT áp dụng cơ chế khoán này”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, các chức danh thấp mức khoán 2-3 triệu đồng/tháng và với chức danh cao khoảng 10 triệu đồng/tháng là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Báo cáo về việc sửa đổi quy định đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, khi mở rộng, các chức danh như: Chủ tịch tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch tập đoàn Nhà nước, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách… sẽ nhận 6,5 triệu đồng/người/tháng, tính vào thu nhập hàng tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng giảm trên 20%.

Trước câu hỏi đơn giá taxi hiện là 8-12 nghìn đồng/km, mức khoán tính toán trên con số 16 nghìn đồng/km có cao? Ông Trần Đức Thắng lý giải, mức khoán trên được tính toán cho xe có giá trị lớn gồm: 1,1 tỷ đồng với thủ trưởng đơn vị; 920 triệu đồng với chức danh thứ trưởng; 720 triệu đồng xe công tác chung. Ông Thắng cũng cho biết, với xe có giá trị lớn của các chức danh đơn giá 16 nghìn đồng/km tưởng là thoáng nhưng tính tổng chung so với chi phí cho mỗi xe 320 triệu đồng/năm (nhiên liệu, lái xe, bảo dưỡng, sửa chữa…), mức khoán này chỉ tương đương một nửa nên cả Nhà nước và người nhận khoán đều lợi”, ông Thắng nói.

Bản thân ban soạn thảo đã tính toán trên cơ sở áp dụng một năm qua, cùng với “nhẩm tính từ nhà thứ trưởng tới cơ quan là bình quân như vậy, cộng với bí mật tìm hiểu” thì mức khoán 6,5 triệu đồng là hợp lý.

Giảm 50% số xe công

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), việc sắp xếp, điều chuyển xe dôi dư từ xe công tác chung sang chuyên dùng đa phần là đúng về quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp xe công, lượng xe phục vụ công tác chung giảm nhưng số lượng xe chuyên dùng lại tăng thêm tới hơn 5.000 chiếc so với năm 2013. “Nguyên nhân là do Thủ tướng giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp nên việc điều chỉnh xe chuyên dùng là ở địa phương”, ông Thắng lý giải.

Lãnh đạo được mua lại xe công đã dùng

Trong phương án xử lý các xe dôi dư, Bộ Tài chính đề xuất có thể bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe muốn mua lại. Bên cạnh đó, cùng với phương án bán đấu giá, xe dôi dư có thể được điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức còn thiếu xe hoặc thay thế xe cũ.

Bộ Tài chính cho biết, các đơn vị căn cứ tiêu chuẩn, quy định định mức sử dụng xe, xác định số xe dôi dư và gửi báo cáo về Bộ Tài chính chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Theo dự thảo, các đơn vị có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.

Thời gian tới, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô phục vụ công tác chung sẽ được thay đổi theo hướng giảm định mức sử dụng xe, nhằm phấn đấu đến năm 2020 giảm 30-50% số lượng ô tô công phục vụ công tác chung trang bị cho các bộ ngành, địa phương hiện có. Theo tính toán, hầu hết tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác chung đều giảm một nửa, ví dụ đơn vị đang được sử dụng 2 ô tô thì tới đây chỉ còn 1 chiếc. Như vậy, tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, số ô tô công sẽ giảm tối đa, trong đó riêng với xe phục vụ chức danh dự kiến giảm 700 xe, từ 900 xe về còn khoảng 200 xe.

Giảm về số lượng, song cơ quan soạn thảo sẽ đề nghị điều chỉnh giá mua xe 2 cầu, dự kiến đề xuất tăng từ 1,040 tỷ đồng lên 1,1 tỷ đồng (tăng 60 triệu đồng/xe). Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng giá này là để phù hợp với giá thị trường của chủng loại xe 2 cầu, đáp ứng được nhu cầu đi lại tại các địa bàn miền núi. Còn lại, giá mua xe khác cơ bản kế thừa quy định hiện hành.

Ông Thắng cho biết, tài sản là ô tô công có giá trị còn lại là nhỏ so với tổng tài sản công. Theo số liệu của Bộ Tài chính, giá trị ô tô công còn lại là 7-8 nghìn tỷ đồng nhưng phải quản lý tốt. “Khi thực hiện, thời gian qua đúng là có những ý kiến nọ kia nhưng hầu hết là đồng thuận với việc cần thiết thực hiện tiết kiệm chi tiêu ngân sách”, ông Thắng nói. Được biết, Dự thảo sẽ lấy ý kiến các địa phương và sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý II năm nay.

Theo Cao Sơn

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên