Văn phòng cho thuê rớt giá vì dịch
Một số chuyên gia nhận định, với tình trạng trì trệ và sự trở lại của COVID-19, thị trường văn phòng cho thuê tại TP HCM sẽ khó chuyển biến tốt trong cuối năm nay.
Dự kiến 80.000m2 sàn văn phòng cho thuê ra mắt thị trường TP HCM được đánh giá là khá nhiều và sẽ gặp khó khăn nhất thời (Ảnh: CBRE)
Theo báo cáo mới nhất của CBRE, thị trường văn phòng tại TP HCM ghi nhận diện tích thực cho thuê giảm liên tiếp trong những tháng qua, có tới 30% giao dịch đến từ việc thu hẹp diện tích thuê. Trong khi đó, cả quý III/2020, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới được đưa ra thị trường, tổng diện tích duy trì ở mức 1.370.814 m2.
Trong quý III, thị trường cũng ghi nhận tỷ lệ trống 11% ở phân khúc văn phòng hạng A, giá thuê giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do khách thuê giảm diện tích thuê hoặc chuyển nhượng từ những khách thuê hiện hữu thông qua việc mở rộng và gia hạn hợp đồng thuê. Đồng thời các chủ thuê cũng đưa ra mức giá giảm 3 - 4 USD/m2/tháng để hấp dẫn khách thuê mới.
Trong khi đó, với phân khúc hạng B ghi nhận mức ổn định so với quý II ở cả tỷ lệ lấp đầy và giá thuê. Các nhóm ngành sôi động nhất trong giao dịch vẫn là công nghệ thông tin, bảo hiểm, thương mại điện tử. Trong đó các công ty về các lĩnh vực này đến từ Anh, Singapore và Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trên 500m2.
Theo chuyên gia CBRE, cuối năm nay, dự kiến sẽ có 80.000m2 sàn được khai trương với mức giá thuê được điều chỉnh giảm 1 - 3 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Văn phòng cho thuê TP HCM có thể sẽ tiếp tục rớt giá 5% nếu tình hình dịch bệnh xấu đi (ảnh: Tòa nhà văn phòng Phú Mỹ Hưng)
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, với số lượng khoảng 80.000m2 văn phòng cho thuê mới trong thời gian tới là khá nhiều và sẽ gặp khó khăn nhất thời. Vị chuyên gia lý giải, do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm và thu hẹp diện tích sẽ còn tiếp tục.
Đồng quan điểm, theo một số chuyên gia, với sự chuyển biến của việc phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, trước mắt động thái thuê văn phòng của khách hàng sẽ bị lùi lại, họ sẽ có xu hướng chờ đợi để quan sát tình hình. Cùng với đó là các lo ngại về việc bùng dịch, giãn cách xã hội, các đơn vị có nhu cầu mở rộng diện tích thuê cũng sẽ tạm ngưng lại.
Các chuyên gia dự báo nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp, và không có vắc-xin phòng, chữa bệnh thì giá thuê có thể sẽ tiếp tục giảm thêm 5% so với năm 2020 để giữ khách thuê.
Trường hợp xấu nhất của dịch bệnh, nhu cầu văn phòng ở khu vực trung tâm có thể sẽ giảm khi người lao động luân phiên làm việc tại văn phòng hoặc từ nhà. Do đó, để thích nghi với tình hình mới, chủ mặt bằng cần phải có những biện pháp linh hoạt trong ngắn và dài hạn, thay đổi để phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách thuê.
Phía đơn vị vận hành không gian làm việc linh hoạt nên thận trọng hơn trong việc mở rộng mà cần tập trung khai thác tốt các địa điểm hiện hữu bằng những gói hỗ trợ giảm giá thuê, tập trung vào nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh và các nhóm ngành vẫn phát triển trong thời điểm dịch bệnh như dược phẩm, thương mại điện tử.
Diễn đàn doanh nghiệp