Văn phòng Co-Working Space bùng nổ tại TP.HCM
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, xu hướng Co-Working Space đang tăng mạnh ở TP.HCM.
Không gian làm việc chung tăng cao
Báo cáo thị trường Quý 3/2019 từ Savills cho biết, Tp.HCM xếp thứ 41 trong số 50 thị trường văn phòng chia sẻ phát triển nhanh nhất thế giới theo khảo sát của Co-working Resources. Văn phòng chia sẻ đang mở rộng nhanh chóng, chiếm nhiều tầng tại các dự án tương lai.
Từ xu hướng đó, Co-Working không chỉ thu hút khách thuê là các công ty vừa và nhỏ mà các doanh nghiệp lớn với hàng trăm nhân viên cũng đang hướng đến mô hình văn phòng chia sẻ bởi tính linh hoạt của nó. Các khách thuê lớn như We Work hay Up Co-working đã thuê nhiều diện tích lớn từ 2.000-5.000m2 tại các dự án mới.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm đến tiềm năng nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tập trung nhiều ở các công ty khởi nghiệp.
Theo báo cáo của quỹ đầu tư ESP, 2 năm trước, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trên 6 nước Đông Nam Á về số tiền và số thương vụ đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore và xu thế tăng trưởng ngày càng trở nên đậm nét trong nửa đầu năm 2019.
Những không gian làm việc vừa và nhỏ được các công ty khởi nghiệp ưa chuộng
Chỉ trong nửa đầu năm 2019, các startup Việt Nam đã huy động tổng cộng 246 triệu USD, vượt con số huy động của cả năm 2018. Lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch trong lĩnh vực công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần từ 2017 đến 2019.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái Startup tại Việt Nam, số lượng các công ty khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều và họ cần một không gian văn phòng làm việc chung linh hoạt, chi phí rẻ để giảm tải áp lực. Do đó, các chủ đầu tư cũng rục rịch chuẩn bị kế hoạch ra hàng nhiều dự án Co-working tại các quận xa trung tâm thành phố.
Theo Savills, riêng phân khúc văn phòng hạng B đã có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, vào Quý 3/2019 hạng B đón nhận nguồn cung mới lần đầu tiên sau 3 quý, đạt hơn 870.600 m2, tăng 5% theo quý và 6% theo năm. Các dự án hạng B mới chiếm 77% nguồn cung mới trong quý này, hai dự án mới gồm SOFIC Office Building (21.400m2) và E-Town 5 (17.000m2), đều ở khu vực ngoài trung tâm. Ngoài ra, một dự án nhỏ khác là M-Building tại Quận 7 với diện tích 1.190 m2 cũng góp phần thay đổi nguồn cung.
Theo ông Lars Wittig - CEO Regus, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan là những nước có xu hướng khởi nghiệp rất lớn. Ở Việt Nam độ tuổi trung bình khởi nghiệp là 31, Thái Lan là 37 tuổi, Malaysia là 27 tuổi, và ở Philipines con số ấn tượng hơn 23,7 tuổi. Để phục vụ đối tượng này, xu hướng Co-Working Space sẽ dần chiếm ưu thế tại thị trường văn phòng.
“Chính các bạn trong độ tuổi này đang định hướng, dẫn dắt sự phát triển ngành không gian làm việc chung rất tốt. Ngoài ra, vốn FDI vào Việt Nam cũng thu hút cao hơn các quốc gia khác. Điểm đặc biệt hơn của Việt Nam là chúng ta có một Hiêp định thương mại tự do với EU mà Philippines không bao giờ mơ tới được. Cho dù cùng ở trong ASEAN nhưng không phải nước nào cũng có hiệp định thương mại tự do như Việt Nam. Đây là điểm đặc biệt giúp cho xu hướng Co-Working phát triển ngày càng mạnh và thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, Ông Lars Wittig nhận định.
Theo Savills, tính đến Q3/2019, các nhà điều hành văn phòng chia sẻ tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, chiếm 52% diện tích thuê. Hạng B được thuê nhiều nhất, chiếm 36%. Khi nguồn cung khu vực trung tâm khan hiếm trong ngắn hạn, văn phòng chia sẻ đang có xu hướng mở rộng ra nguồn cung mới ở khu vực gần trung tâm.
Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, mặc dù tổng nguồn cung BĐS toàn thị trường trong Quý 3 không có nhiều biến động nhưng triển vọng tương lai của thị trường văn phòng lại khá tốt. Dự kiến đến 2021, thị trường sẽ có thêm khoảng 369.100m2. Khu vực ngoài trung tâm sẽ chiếm 55% nguồn cung tương lai với hơn 203.800 m2; trong đó, các dự án lớn trên 20.000m2 sẽ chiếm khoảng 50%, cho thấy sự dịch chuyển nguồn cung đến khu vực ngoài trung tâm. Quận 1 chiếm khoảng 40% nguồn cung tương lai và 89% tại khu vực trung tâm.
Mặt bằng giá thuê tăng cao
Ảnh hưởng từ việc khan hiếm dự án mới, giá thuê cũng tăng 2% theo quý ở cả ba hạng, trung bình đạt $32/m2/tháng. Hạng A có tình hình hoạt động tốt nhất theo năm, tăng ở cả công suất (2 điểm phần trăm) và giá thuê (7%). Chủ đầu tư tăng giá thuê trên quan điểm nguồn cầu cao.
Theo Savills, toàn thị trường hiện có khoảng 16.200 phòng. Mặc dù có một vài dự án mới khai trương với 350 phòng nhưng nguồn cung không đổi so với quý trước do có 253 phòng 5 sao tạm ngưng hoạt động và 157 phòng 3 sao ở Quận 1 đóng cửa.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, cả thành phố thu hút hơn 6.2 triệu lượt khách nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 14% so với năm trước. Mức tăng này cao hơn 3% so với trung bình cả nước, cho thấy nhu cầu đang tăng cao. Sự chững lại ở phân khúc 3 sao và 4 sao do nguồn cung homestay phát triển trên các nền tảng trực tuyến tăng khiến công suất chung giảm 2 điểm % theo quý và 5 điểm % theo năm. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi TP.HCM tập trung lượng phòng trực tuyến cao nhất cả nước.
Giá phòng đi lên do giá trung bình ở phân khúc 5 sao tăng mạnh. Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt 83 US$/phòng/đêm, tăng 3% so với quý trước và 4% so với năm trước. Mặc dù phải cạnh tranh với các điểm đến mới nổi khác có cùng lợi thế sân bay quốc tế nhưng các khách sạn 5 sao ở TP.HCM dự kiến sẽ không cạnh tranh bằng việc giảm giá mà thậm chí còn có thể tăng sau các hoạt động nâng cấp, cải thiện dịch vụ.