Vân Phong - động lực phát triển vùng
Khu Kinh tế Vân Phong được xác định trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.
- 15-04-2022Duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 'siêu' Khu kinh tế Vân Phong 150 nghìn ha
- 14-01-2022Thi công xuyên Tết để đưa các dự án nhà máy BOT Vân Phong 1 về đích
- 03-01-2022Để Vân Phong không lỡ nhịp phát triển kinh tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 451/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích 150.000 ha (70.000 ha đất liền, 80.000 ha mặt nước) thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Cửa ngõ giao thương thế giới
Theo quyết định này, Chính phủ yêu cầu xây dựng và phát triển KKT Vân Phong phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh Khánh Hòa về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo; KKT Vân Phong trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Xây dựng KKT Vân Phong tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là KKT có tính cạnh tranh cao dựa trên lợi thế tự nhiên, là trung tâm hàng hải, du lịch và cửa ngõ giao thương với thế giới của cả vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Một góc Khu Kinh tế Vân Phong, nơi đang được Chính phủ, bộ ngành xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù
Chính phủ cũng đưa ra 12 yêu cầu, nội dung cần nghiên cứu quy hoạch. Trong đó, yêu cầu định hướng phát triển không gian, xác định khu vực trung tâm phát triển, như: bán đảo Hòn Gốm gắn với cảng trung chuyển quốc tế, khu dịch vụ và công nghiệp logistics, cảng du lịch... Có các khu vực trung tâm công nghiệp như: Khu Công nghiệp Vạn Thắng, Dốc Đá Trắng, Ninh Thủy, Vạn Lương; khu nhiệt điện và các cơ sở công nghiệp gắn với cảng nước sâu chuyên dụng tại Ninh Phước... Các khu vực đô thị đa chức năng, gồm: Khu vực Vĩnh Yên, Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã, Đại Lãnh, thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận, trung tâm thị xã Ninh Hòa, Dốc Lết và vùng phụ cận, Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán...
12 cơ chế, chính sách đặc thù
UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KĐ-ĐT) đã hoàn chỉnh hồ sơ, gửi các bộ, ngành thẩm định dự thảo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù cho Khánh Hòa. Bộ này đề xuất 12 chính sách đặc thù ở 6 nhóm, gồm: tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch; đất đai; tách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng; phát triển nuôi trồng thủy sản biển; và đặc biệt có nhóm chính sách phát triển KKT Vân Phong. Các chính sách đặc thù này, Khánh Hòa sẽ được phân cấp, phần quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh.
Riêng về chính sách phát triển KKT Vân Phong, Bộ KH-ĐT đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, quản trị với các cam kết bằng văn bản, gắn bó lợi ích lâu dài với KKT... Các nhà đầu tư chiến lược bảo đảm nguồn vốn đầu tư từ 250 tỉ - 25.000 tỉ đồng sẽ hưởng nhiều quyền lợi, có thể kể đến như: ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường giải phóng mặt bằng; tham gia quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại KKT; tham gia xúc tiến đầu tư.
Nhà đầu tư còn được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong vòng 20 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, trong đó miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư tại KKT Vân Phong còn được ưu tiên thủ tục hải quan, thủ tục thuế...
Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT còn đề xuất đưa ra các chính sách có lợi khác như: bán hàng miễn thuế cho khách du lịch tại khu phi thuế quan; miễn thị thực 60 ngày tại khu vực Bắc Vân Phong; Ban Quản lý KKT Vân Phong được phép thẩm định, cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho rằng sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, bộ ngành đề xuất chính sách thì với huyện Vạn Ninh nói riêng và KKT Vân Phong nói chung sẽ có hành lang pháp lý vững chắc. Đây sẽ là yếu tố hết sức thuận lợi cho huyện phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ công trình thiết yếu, đặc biệt là giao thông kết nối Vân Phong - Tây Nguyên, Vân Phong - Nha Trang; các trục đường chính; hạ tầng cảng biển... từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, gắn với việc phát triển y tế, văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khiêm, đây sẽ là thách thức lớn trong việc quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng mà những năm qua, Vạn Ninh là điểm nóng. Bên cạnh đó, là các giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng, đào tạo nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển trong tương lai.
7 ngành nghề được ưu tiên tại KKT Vân Phong
Bộ KH-ĐT đưa ra 7 ngành nghề ưu tiên tại KKT Vân Phong, gồm: trung tâm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ cao; công nghiệp năng lượng, chế tạo công nghệ cao; xây dựng hàng không, bến cảng; khu phi thuế quan; lĩnh vực thương mại - tài chính gắn với cảng biển, hậu cần cảng biển quy mô 12.000 tỉ đồng; khu đô thị, kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng quy mô 25.000 tỉ đồng; vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf quy mô tối thiểu 30.000 tỉ đồng.
Người lao động