MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận tải hàng không Việt Nam và nhiều nước châu Á nửa đầu năm 2021: Mùa ế ẩm bất ngờ khởi sắc?

Vận tải hàng không Việt Nam và nhiều nước châu Á nửa đầu năm 2021: Mùa ế ẩm bất ngờ khởi sắc?

Giai đoạn tháng 5 và tháng 6 thường được các doanh nghiệp vận tải gọi là "giai đoạn ế ẩm". Song năm nay, tình hình có phần khác, đặc biệt đối với thị trường vận tải hàng không.

'Mùa cao điểm' đặc biệt

Vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thông tin, xu hướng tăng giá cước vận chuyển qua đường hàng không đã dần hạ nhiệt. Theo đó, nhu cầu về hàng hóa được dự báo sẽ tăng mạnh vào tháng 8.

Trong khi các chuyến vận tải từ khu vực châu Á đến Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng ổn định, với thương mại điện tử và nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, thì số lượng chuyến đến khu vực châu Âu lại giảm đáng kể.

"Vận tải qua đường hàng không đến châu Âu đã chậm lại trong một vài tuần qua, song giá cước cũng không hề giảm. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng hàng không vận tải đang đối mặt với nhiều nguy cơ đáng báo động", một hãng vận tải có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Hiện nay, tỷ giá bắt đầu tăng trở lại ở khắp mọi nơi. Các hãng hàng không lớn thậm chí còn tăng giá ở mức chung. Điều này bị tác động bởi 2 lý do chính: có nhiều hàng hóa hơn và công suất giảm sâu. Thị trường Hoa Kỳ dần ổn định, cho đến khoảng 2 tuần trước, tỷ giá lại bắt đầu tăng.

Trong 10 năm qua, mùa cao điểm điển hình thường vào giai đoạn giữa tháng 8 cho đến giữa tháng 12. "Nếu các nước dần mở cửa, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào một mùa Giáng sinh bận rộn trong năm nay".

Đại diện một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Anh chia sẻ, trong vài tuần vừa qua, khối lượng hàng hóa từ khu vực Ấn Độ ngày càng tăng. "Trong khi đó, hàng hóa từ Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, và mức giá cước đã phản ánh tình trạng đó".

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ niềm tin rằng thị trường sẽ trở nên sôi động hơn vào tháng 8, đặc biệt là vận tải hàng không khu vực châu Á đến toàn cầu. Ông Wilson Kwong, Giám đốc điều hành HACTL, cảng hàng không khai thác vận tải hàng hóa tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay, thị trường vận tải hàng không là một thị trường đầy bất định.

Ông Wilson lý giải: "Hoạt động kinh doanh tại HACTL vẫn có những tín hiệu tích cực do số lượng vận chuyển hàng hóa ổn định, cũng như nhiều hãng hàng không đã tập trung vào vận tải hàng hóa do vận tải hành khách giảm mạnh".

"Đồng thời, khối lượng hàng hóa tăng mạnh do xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và nhu cầu hàng hóa tại các quốc gia trọng điểm như Hoa Kỳ ngày càng lớn. Ngoài ra, năng lực và lịch trình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, hay tình trạng tắc nghẽn cảng cũng là những yếu tố tác động đáng kể".

Thông thường, tháng 5 và tháng 6 được các doanh nghiệp vận tải gọi là "giai đoạn ế ẩm". Tuy nhiên năm nay, tình hình có phần khác. "Thị trường hàng hóa nhìn chung vẫn tăng trưởng mạnh và ổn định trong vài tháng qua. Tháng 5 tăng trưởng mạnh, song đến tháng 6 thì tình hình kém khởi sắc hơn", ông Wilson Kwong nhận định.

Trong khi một số hãng vận tải đã bắt đầu công cuộc "tái chuyển đổi" sang vận tải hành khách, thì nhiều hãng vận tải châu Á lại đang tiếp tục chuyển sang hoạt động vận tải hàng hóa. Hiện hãng Airasia (Malaysia) có 8 chiếc máy bay dành riêng cho các hoạt động vận tải hàng hóa. Cathay Pacific vừa qua cũng bổ sung thêm 2 chiếc 777 vào đội bay chở hàng hóa, do đây là giai đoạn "cao điểm".

Ông George Edmunds, Giám đốc thương mại hàng hóa tại Cathay Pacific cho hay: "Chúng tôi đang kỳ vọng công suất hãng sẽ đạt khoảng 30% công suất bình thường vào quý 4, song nhìn chung mạng lưới hành khách của hãng phát triển tương đối chậm".

Do vậy, hãng này đã quyết định chuyển đổi thêm 2 chiếc máy bay chở khách B777 thành máy bay chuyên chở hàng hóa, bằng cách loại bỏ ghế khỏi các khoang hạng phổ thông. "Hãng sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng bưu chính và hàng hóa tổng hợp xung quanh khu vực châu Á".

John Cheng, Trưởng bộ phận Thị trường hàng hóa & Sản phẩm của Cathay Pacific nhấn mạnh, động thái này sẽ giúp hãng vận chuyển thêm nhiều hàng hóa từ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc.

Miếng bánh vận tải hàng hoá hàng không có khả năng về tay doanh nghiệp nội?

Theo số liệu Cục Hàng không Việt Nam, hiện có khoảng 30 hãng hàng không từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay đi/đến Việt Nam. Thực tế, thị phần vận tải hàng hóa qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam đều do hãng nước ngoài khai thác.

Vận tải hàng không Việt Nam và nhiều nước châu Á nửa đầu năm 2021: Mùa ế ẩm bất ngờ khởi sắc? - Ảnh 1.

Đáng chú ý, trong bối cảnh vận tải hành khách bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng vì Covid-19 thì hoạt động chở hàng hóa của các hãng bay Việt Nam lại tăng lên, giúp tình hình thị trường hàng không phần nào bớt ảm đạm.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không trong 6 tháng qua đạt 668.000 tấn, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 490.000 tấn, tăng 18,1% và 179.000 tấn hàng hóa nội địa, tăng 0,3%. Như vậy, phân khúc thị trường hàng hóa đang chiếm ưu thế và nỗ lực cải thiện doanh thu được các hãng tận dụng triệt để.

Đại diện Vietnam Airlines thông tin, khách đi máy bay giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng. Nhờ đó, hãng này chuyển hướng chở hàng nhằm tối ưu hóa khai thác đội tàu bay sẵn có, đây là giải pháp hiệu quả, đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hay như vừa qua, công ty cổ phần IPP Air Cargo, công ty con của tập đoàn kinh doanh bán lẻ IPP (do ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị) đang chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam đã quyết định đầu tư một hãng bay chở hàng của riêng mình. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên biệt về chở hàng.

IPP Air Cargo đặt ra lộ trình dự án được phê duyệt và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý 3, lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay trong quý 4 năm nay và thực hiện chuyến bay chở hàng đầu tiên vào quý 2/2022. Hiện hồ sơ của doanh nghiệp này đang được các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và cấp phép hoạt động.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên