Vận tải khách Tết: Vé tàu xe dư thừa, lo thiếu khách
Thời điểm này các năm trước thị trường vé tàu, xe, máy bay đi lại dịp Tết đã rất sôi động, thậm chí hết vé giá rẻ, nhưng năm nay khách vẫn rất ít.
- 10-11-2021Có thể giảm vé tàu Tết Nhâm Dần tới 40%
- 08-11-2021Đường sắt bắt đầu bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022
- 05-11-2021Mua vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông như thế nào và các điểm kết nối xe buýt ra sao?
Đường sắt, hàng không: thưa vắng
Sau gần 1 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ga Sài Gòn hay Hà Nội đều chung cảnh vắng vẻ. Tại ga Hà Nội, mỗi ngày chỉ có vài khách tới mua vé trực tiếp. “Tôi mua trước để dễ chọn cả nhà ngồi cùng khoang, chưa biết tới ngày đó có đi được không, nếu về quê vẫn buộc cách ly tại nhà 7 ngày, lại ảnh hưởng tới người thân mình sẽ không về nữa, vé có thể đổi hoặc hoàn”, chị Lê Thị Châu (quê Thanh Hóa), vị khách hiếm hoi tới ga Hà Nội mua vé tàu Tết chia sẻ.
Khu vực bán vé tàu Tết ga Sài Gòn vắng khách. Ảnh: Ngô Bình
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dự báo Tết này khách rất ít, khi khách đi tàu chủ yếu công nhân, người lao động và sinh viên. Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, rất nhiều người đã rời phố về quê, sinh viên các trường vẫn ở quê học trực tuyến. Trước mắt đường sắt mới bán vé 4 đôi tàu Bắc - Nam và 1 đôi tàu tuyến TPHCM - Đà Nẵng, còn lại vẫn dừng hoạt động, nếu vé bán tốt mới chạy thêm tàu. Tổng số vé tàu bán ra cho cả dịp Tết Nhâm Dần khoảng 36.000 chỗ, chỉ bằng 1/3 của Tết Tân Sửu năm 2021. Tới hết ngày 8/12, đường sắt mới bán được gần 5.500 vé tàu Thống Nhất và hơn 1.000 vé tàu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng, tổng tiền vé trên 7,7 tỷ đồng (bằng 10% số vé bán ra cùng kỳ Tết trước). “Số người dân ở lại thành phố đã ít lại có tâm lý chờ xem tình hình dịch bệnh, chưa kể quy định kiểm soát người ngoài tỉnh về của các địa phương. Nếu các địa phương vẫn yêu cầu người về quê phải cách ly tập trung hoặc tại nhà thì dù đã mua vé cũng có thể bỏ”, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết. Năm nay, lần thứ 2 trong lịch sử đường sắt áp dụng khuyến mại vé tàu Tết.
Với hàng không, sau khi được tăng chuyến từ ngày 1/12, các hãng đã mở bán vé cho cả giai đoạn Tết Nguyên đán tới, nhưng số vé bán chậm, dù số lượng chuyến bay chưa nhiều. Ngày 10/12, khảo sát trên trang bán vé các hãng cho thấy, dịp Tết tới, “đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM mỗi hãng chỉ khai thác tối đa 6 chuyến bay/ngày, nhưng vé còn nhiều với giá rẻ. Cụ thể, những ngày đầu nghỉ Tết (từ 29-31/1/2022), Vietjet còn vé giá từ 600 nghìn đồng (gồm cả thuế, phí) cho chiều Hà Nội đi TPHCM, chiều ngược lại giá vé từ 1,8 triệu đồng. Cùng thời gian, Vietnam Airlines cũng còn nhiều vé giá từ 3,2 triệu đồng cho chiều từ Hà Nội đi TPHCM, và 2,1 triệu đồng cho chiều TPHCM đi Hà Nội, khách có thể chọn bay thẳng hoặc bay nối chuyến qua 1 sân bay nội địa khác; Bamboo Airways cũng có nhiều vé với giá từ gần 800 nghìn đồng cho chiều Hà Nội đi TPHCM, chiều ngược lại có giá từ 2,7 triệu đồng...
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, hoạt động bay nội địa đang theo lộ trình tăng tần suất tiến tới mở lại bình thường. Với số chuyến bay đã được phép, các hãng được bán vé cho giai đoạn bay tới tháng 4/2022, gồm cả dịp Tết. Theo ông Thắng, nếu nhu cầu khách đi lại Tết tăng cao, cục có thể kiến nghị Bộ GTVT cho tăng chuyến bay. Tuy nhiên, lo nhất không có khách và việc các địa phương hạn chế người về. Thực tế số chuyến bay đã được mở bán số lượng vé bán cũng rất chậm.
Xe khách: Ngóng
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, hiện các tuyến xe khách kết nối với Hà Nội được phép hoạt động tối đa 50% phương tiện so với bình thường. Thực tế những ngày qua chỉ khoảng 10-15% xe hoạt động, có tuyến không có xe do vắng có khách. Nếu dịp Tết khách có tăng đột biến lên 30-40% so với hiện nay cũng chỉ đầy số xe đang được hoạt động, chưa cần bổ sung hay tăng cường thêm xe. “Xe khách không thiếu, chỉ cần có khách sẽ hoạt động ngay, nhưng dự báo cao điểm Tết năm nay khách đi lại không nhiều. Người đi xe khách chủ yếu sinh viên, lao động tự do, nhưng họ đã về quê từ lâu chưa trở lại do dịch bệnh. Giờ vẫn nín thở chờ gần Tết nhu cầu khách có tăng lên không rồi tính tiếp”, ông Toàn nói.
Tại Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), với đa số xe chạy tuyến đi/đến Nghệ An, Hà Tĩnh, lãnh đạo bến xe cho hay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch khai thác Tết. Hiện, bến chỉ có khoảng 1/4 đầu xe hoạt động so với số được phép. Xe rời bến chỉ vài khách, nên chủ yếu nhận chở hàng. “Tết không lo thiếu xe, chỉ lo không có khách”, lãnh đạo bến xe này cho hay.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cả nhà xe và khách đều trong trạng thái chờ phương án phòng chống dịch của các địa phương, đặc biệt yêu cầu cách ly với người về. “Các doanh nghiệp vận tải khách chưa thể chủ động gì được, chỉ cần địa phương yêu cầu người về phải cách ly tại nhà đã không còn ai đi lại nữa. Các doanh nghiệp đều sẵn xe, có thể huy động nhân lực được ngay, chỉ chờ phương án phòng chống dịch và khách”, ông Liên nói. Ông dẫn doanh nghiệp của mình có 70 xe khách, khai thác 20 tuyến liên tỉnh, nhưng hiện chỉ hoạt động 5 xe.
Tin từ Bộ GTVT cho hay, cơ quan này vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng góp ý về Chỉ thị một số giải pháp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để người dân không được về quê đón Tết do không có tàu, xe. Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trước đó, Bộ GTVT có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ, Sở GTVT các địa phương lên phương án vận tải khách dịp Tết sắp tới, đảm bảo mọi người đều được về quê đón Tết.
Tiền phong