“Van” tín dụng không phải là lãi suất
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc các ngân hàng chủ động giảm thêm lãi suất tiền gửi là do thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào, nhu cầu vốn trong nền kinh tế vẫn chưa cao nên lãi suất cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ.
Trong báo cáo nhận định vĩ mô mới nhất, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, lạm phát tháng 12 sẽ tăng 0,5% so với tháng trước do hai yếu tố. Thứ nhất, mặt bằng giá xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới dự báo tăng khoảng 8% so với tháng trước. Thứ hai là nhu cầu mua sắm và sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm thường tăng mạnh. Với diễn biến trên cùng với việc giá thịt lợn đang trong xu hướng giảm nhờ nguồn cung được cải thiện và giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp nhiều hơn so với cùng kỳ… dự báo lạm phát bình quân trong năm 2020 xuống còn 3,3% từ mức 3,5% trước đó. Các tín hiệu tích cực của lạm phát trên là cơ sở để KBSV kỳ vọng vào việc mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm trong tương lai gần.
Trên thực tế, bước vào tháng cuối cùng của năm 2020, nhiều ngân hàng đã chủ động tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Đây là một tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo tình hình hoạt động các TCTD của NHNN tuần cuối cùng tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của TCTD tiếp tục xu hướng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-6,9%/năm.
Chẳng hạn như tại Vietcombank hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất chỉ 4%/năm. Trong khi mức lãi suất gửi tiền kỳ hạn 12 tháng trở lên của cả bốn NHTM nhà nước đều niêm yết mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm, giảm nhẹ 0,2%/năm so với tháng trước. Ở khối NHTMCP, VPBank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trong hệ thống với 5,5%/năm áp dụng khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên trong kỳ hạn 24 và 36 tháng…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc các ngân hàng chủ động giảm thêm lãi suất tiền gửi là do thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào, nhu cầu vốn trong nền kinh tế vẫn chưa cao nên lãi suất cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ.
Từ tình hình thực tế về lạm phát, thanh khoản, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất huy động vẫn có thể giảm thêm, tạo điều kiện ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tiết kiệm chi phí vốn hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến nghị cần phải cân nhắc liều lượng giảm lãi suất bởi hiện mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất thấp, nên nếu giảm thêm có thể khiến người gửi tiền rút tiền để chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là các kênh đầu tư rủi ro như vàng, bất động sản, chứng khoán... làm tăng độ rủi ro cho nền kinh tế. "Thời gian gần đây thị trường chứng khoán tăng nhanh, dòng tiền đang chảy mạnh vào. Dù vẫn ở trong biên độ kiểm soát nhưng nếu lãi suất tiếp tục giảm có thể thúc đẩy NĐT đầu tư mạnh hơn vào chứng khoán có thể tạo ra bong bóng chứng khoán", TS. Hiếu cảnh báo.
Đồng tình ý kiến này, một chuyên gia ngân hàng nhận định, trong điều kiện bình thường thì giảm lãi suất là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng thời điểm này, dù mặt bằng lãi suất đã giảm rất sâu, song tín dụng vẫn tăng chậm do cầu tín dụng yếu khi mà sản xuất kinh doanh vẫn bị đình trệ vì dịch bệnh. Bởi vậy thời điểm này, giảm lãi suất mạnh có thể là con dao hai lưỡi, không những không hỗ trợ nền kinh tế mà còn tạo ra nguy cơ bong bóng tài sản một số lĩnh vực. Hơn thế, mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm, song rủi ro lạm phát tăng cao trở lại rất lớn khi mà giá dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường.
Một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong thời điểm này việc giảm lãi suất không phải là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tín dụng, vì nút thắt tín dụng là tổng cầu vẫn suy giảm. Bên cạnh đó các ngân hàng đang cẩn thận trong hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng lo nợ xấu tăng nên thận trọng trong cấp tín dụng là điều hợp lý. Vì thế, van mở cho tăng trưởng tín dụng không phải là lãi suất mà làm sao để các ngân hàng mạnh dạn cho vay nhiều hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, ngân hàng vẫn tìm nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhưng việc cấp tín dụng mới được triển khai thận trọng bởi quan điểm của ngân hàng là giảm lãi suất nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm. Trong khi đó tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương với kinh tế Việt Nam và các DN chịu tác động mạnh vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nên dù ngân hàng chào mời lãi suất thấp, nhưng DN không vay vốn vì đầu ra sản phẩm không có, hàng tồn kho tăng. Do đó, muốn tín dụng tăng trưởng tốt hơn, TS. Hiếu đề xuất phải xây dựng tổ hợp tín dụng ngân hàng nhưng kèm cơ chế bảo lãnh tín dụng của các quỹ bảo lãnh. Có như vậy, ngân hàng mới dám cho vay. Bản thân ngân hàng cũng là một DN, phải tính toán kinh doanh đảm bảo an toàn nguồn vốn và lợi ích của cổ đông.
Thời báo ngân hàng