Vắng bóng hàng Việt
Hiện nay hệ thống siêu thị của người Thái như MM Mega Market, Big C… phủ kín quầy kệ đa số đều là sản phẩm ngoại. Trong khi đó, chỉ còn một số ít thương hiệu Việt với số lượng hạn chế.
- 13-08-2018Xuất hiện thương hiệu lụa mới “na ná” Khaisilk: Từ logo, sản phẩm đến thiết kế fanpage nhưng cam kết là hàng Việt và “100% tơ tằm"
- 26-07-2018Hàng Trung Quốc tìm cách ‘khoác áo’ hàng Việt né thuế
- 29-06-2018Hàng Việt “xuất ngoại” giá cao gấp 3-4 lần vẫn đắt hàng
Ðủ kiểu “ép”
Bị “bức tử” sản phẩm ra khỏi quầy kệ trong hệ thống MM Mega Market (Metro cũ), lãnh đạo một công ty sản xuất nước mắm đau đớn cho biết: “Họ không nói huỵch toẹt là loại các mặt hàng của mình khỏi quầy nhưng họ có nhiều cách để mình phải tự động rời đi. Cụ thể, chỉ cần họ nhích lên một chút chiết khấu, kiểm soát sản phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe hơn cũng đủ để mình không trụ lại được lâu dài rồi. Cuối cùng mình phải tự “dứt áo ra đi” chứ không chờ ai đuổi cả”.
Trưa ngày 16/8, khảo sát tại nhiều quầy hàng của siêu thị MM Mega Market, Big C cơ man nào là hàng Thái. Các gian hàng hóa mỹ phẩm, nước ngọt, nước giải khát… hầu hết các sản phẩm đều có nguồn gốc Thái Lan: Ví dụ như thương hiệu Pond’s, nước giặt Essence, nước ngọt Refresh… Tại MM Mega Market Phú Lâm (quận 6) cũng có hàng Việt, nhưng lại được đặt cạnh sản phẩm của Thái Lan. Chị Thanh Hoa (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ: “Lúc mới vào tôi cứ tưởng lạc vào một siêu thị nước ngoài chứ không phải siêu thị Việt Nam. Khi chọn mua hàng, tôi rất phân vân giữa 2 sản phẩm cùng loại Việt - Thái đặt cạnh nhau. Mặt hàng cùng dung tích, giá cả cũng tương đương thì tất nhiên người tiêu dùng sẽ nghiêng về hàng ngoại nhiều hơn. Vì mình tò mò, thứ hai là tâm lý “ngoại hơn nội”.
Big C từ khi rơi vào tay người Thái cũng dành những vị trí đẹp nhất cho để trưng bày hàng của quốc gia này. Nơi đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… Hiện, chưa có điều tra của cơ quan chức năng nào về hàng Thái chiếm bao nhiêu phần trăm trong siêu thị và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng. Tuy nhiên, khi hàng Thái tràn lan tại các siêu thị của người Thái khiến nhiều DN nội lo ngại.
Bằng chứng là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi lãnh đạo Big C về việc siêu thị này có mức chiết khấu quá cao khiến doanh nghiệp nội cầm chắc lỗ. Theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi… Không những vậy, siêu thị còn khoán “tỷ lệ hàng hư hỏng” thường là 1%, đôi khi hàng hỏng không phải do nhà cung cấp, nhân viên siêu thị cũng ép doanh nghiệp phải đổi hàng khác, nếu không thì không đặt đơn hàng mới. Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chiết khấu 1% mà vẫn phải chịu mọi hư hỏng.
ràn ngập hàng ngoại trong siêu thị Thái.
TKhông chỉ các siêu thị lớn như Metro, Big C mà hệ thống các cửa hàng tiện lợi như B’smart sau khi vào tay người Thái cũng chê “ỏng eo” hàng Việt. Hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một DN nói: “Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng Việt Nam vào nữa!”.
Cơ hội để DN Việt nhìn lại mình
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (SG Food) cho biết, mức chiết khấu của siêu thị ngoại đã tăng quá cao rồi, bây giờ nếu tăng nữa thì không DN Việt nào đưa hàng vào siêu thị Thái cả. Nếu mức chiết khấu hệ thống phân phối chung khoảng 10% thì các siêu thị ngoại chiết khẩu từ 20% trở lên.
Hiện tại, SG Food vẫn còn sản phẩm trong siêu thị Thái nhưng phải giảm bớt, mặt hàng nào còn có lời thì tiếp tục bán nếu không phải rút khỏi quầy ngay. “Tỷ trọng sản phẩm của SG Food bán trong siêu thị ngoại ngày càng giảm. Trước đây, cả MM Mega Market và Big C chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu của SG Food, thì nay chỉ còn 20% (giảm 10%). Nếu siêu thị ngoại không thay đổi chính sách thì mình phải tự rút hàng thôi. Đó là lý do trong các siêu thị ngoại hàng Việt càng giảm” - bà Lâm cho hay.
Thừa nhận trong trong ngành thực phẩm, hàng Thái là đối thủ mạnh nhất của hàng Việt. Nhưng theo bà Thanh Lâm, DN Việt không phải vì thế mà co mình lại. “Chúng tôi đang ứng dụng công nghệ mới, cải tiến bao bì, sản phẩm bắt mắt, hợp khẩu vị khách hàng để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. SG Food vừa ra mắt cháo tươi, súp tươi, chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, trong khi giá cả chỉ bằng 1/3. Bây giờ người tiêu dùng không chỉ cần sản phẩm tiện lợi mà còn phải an toàn, đảm bảo. Đấu với đối thủ mạnh cũng là cơ hội để DN Việt nhìn lại mình, đầu tư cố gắng nhiều hơn” - Phó tổng giám đốc SG Food
nhìn nhận.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, khi người Thái nhắm vào hệ thống phân phối của Việt Nam và mua lại những siêu thị lớn là họ đã muốn đưa hàng của họ vào những hệ thống này rồi. Người Thái muốn bán cái gì trong siêu thị của họ, mình không cấm được.
Còn bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, DN Thái có quyền đưa hàng lên quầy của họ. Họ có chiết khấu của họ mà Sở Công Thương không thể can thiệp được. “DN Thái phải đưa những sản phẩm tốt lên quầy kệ của họ chứ không thể đưa những mặt hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín siêu thị. Ở bất cứ hệ thống phân phối nào, dù là trong nước hay ngoài nước thì đều thông qua đàm phán. DN Việt phải có thương hiệu, chất lượng sản phẩm để đảm bảo hợp đồng, nội dung các điều khoản thuận lợi cho mình, trước khi bắt tay ký kết với DN ngoại”- bà Trang chia sẻ.
Ông N.H (đại diện một đơn vị trước đây chuyên cung cấp hàng cho Big C, MM Mega Market) cho biết: Sau khi vào tay DN ngoại, các siêu thị chèn ép công ty Việt. Trước đây siêu thị thanh toán tiền cho doanh nghiệp 30 ngày sau khi nhận hàng, nay kéo dài lên 45 ngày, thậm chí có khi lên 60 ngày. Ðiều này chẳng khác nào chiếm dụng vốn của DN Việt. Hoặc họ sẽ tăng mức chiết khấu đã thỏa thuận trong hợp đồng từ 15% lên thêm 10% nữa. Ðiều này là quá sức chịu đựng của các DN trong nước. “Trước sức ép này, chúng tôi tự rút hàng vì không chấp nhận mức chiết khấu quá cao và mỗi năm mỗi tăng. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty vẫn cố gắng cầm cự, chấp nhận chiết khấu cao để hàng có mặt trong siêu thị dù lãi luôn ở mức âm” - vị này tiết lộ.
Tiền phong