Vàng đang bị xa lánh nhưng giá sắp tăng trở lại?
Lãi suất tăng nhanh đã kéo giá vàng từ mức cao gần kỷ lục lịch sử cách đây 6 tháng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi trong những tháng tới khi tốc độ tăng chậm lại.
- 26-09-2022Fed tăng lãi suất không gây bất ngờ đối với Việt Nam
- 26-09-2022Vàng trong nước và thế giới tiếp tục chênh lệch 21 triệu đồng/lượng
- 26-09-2022Lý do giá vàng giảm trong thời kỳ bất ổn và lạm phát cao
Theo truyền thống được coi là tài sản 'trú ẩn an toàn', giá vàng đã tăng lên trên 2.060 USD/ounce vào tháng 3 sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, gây ra cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ nhanh chóng kể từ đó đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm, khiến vàng – được định giá bằng USD - trở nên đắt hơn đối với nhiều người mua. Đồng thời, USD tăng cũng kéo theo tăng lợi nhuận từ trái phiếu kho bạc của Chính phủ Mỹ, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn (vì không mang lại lợi suất).
Các nhà đầu tư phản ứng bằng cách bán vàng đi. Giá vàng hiện ở mức khoảng 1.650 USD/ounce, giảm 20% so với mức cao hồi tháng 3 và các nhà đầu cơ giá vàng tương lai của Mỹ đang đặt cược vào những đợt giảm giá tiếp theo.
Carsten Menke, một nhà phân tích tthuộc công ty Julius Baer, cho biết: "Chính sách tiền tệ của Mỹ đang giữ vai trò quan trọng nhất (đối với giá vàng)".
Theo ông Menke, nếu lãi suất của Mỹ tăng lên 3,75%, như thị trường kỳ vọng vào tháng 11, vàng có thể giảm xuống khoảng 1.580 USD, và nếu lãi suất đạt 5,5%, vàng có thể trượt xuống 1.285 USD.
Giá vàng và lãi suất của Mỹ đi ngược chiều nhau.
Biểu đồ kỹ thuật cũng cho thấy tình trạng rất khó khăn của mặt hàng vàng. Tom Pelc, nhà phân tích kỹ thuật và đồng thời là giám đốc đầu tư của Fortu Wealth, cho biết vàng đang "bị khóa chặt trong không gian giảm giá" với mức hỗ trợ là 1.645 USD và thấp hơn nữa là 1.606 USD.
Diễn biến giá vàng, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Lượng vàng mà các quỹ ETF nắm giữ năm nay đã giảm mạnh do các nhà đầu tư bán vàng ra nhiều hơn mua vào.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Úc ANZ cho biết vàng hiện đang giao dịch cao hơn 600 USD/ounce so với 'giá trị hợp lý' của kim loại này dựa trên lãi suất, dự đoán về lạm phát và sức mạnh của đồng đô la Mỹ.
Giá vàng và lượng vàng các quỹ ETF nắm giữ.
Nhưng các nhà phân tích đang tìm kiếm thời điểm lãi suất ngừng tăng và bắt đầu giảm - điều mà họ tin rằng sẽ làm giảm giá trị của đồng đô la Mỹ, làm giảm lợi suất trái phiếu và giúp vàng lấy lại ánh hào quang.
Thị trường tài chính đang định giá lãi suất tham chiếu của Fed sẽ đạt đỉnh vào năm tới và có thể sẽ bắt đầu giảm vào nửa cuối năm 2023.
"Nếu giá vàng giảm lúc này, đó là cơ hội mua", ông Menke nói và dự đoán vàng có thể tiến tới mức 1.900 USD trong năm tới.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi cho biết vàng có thể sẽ chạm đáy vào tháng 9 hoặc tháng 10 và giá sẽ đạt mức trung bình 1.775 USD/ounce trong quý cuối năm nay, sau đó là 1.870 USD vào năm 2023.
Ngân hàng Bank of America dự báo vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD vào năm 2023.
Một yếu tố nữa cũng hỗ trợ cho vàng thỏi là sự bất ổn địa chính trị sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine và lo ngại rằng lãi suất cao sẽ phá hủy tăng trưởng kinh tế mà không ngăn chặn được lạm phát - một tình trạng được gọi là lạm phát đình trệ.
Cả hai kịch bản này đều khuyến khích các nhà đầu tư mua vàng như một phương tiện tích trữ giá trị an toàn.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 15/9 cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng trong bối cảnh các NHTW tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế lạm phát leo thang. Chủ tịch WB bày tỏ lo ngại các nước khác trên thế giới có thể tiếp tục suy giảm kinh tế vào năm 2023 và lâu hơn nữa.
Trong năm nay, tình hình trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19.
Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19. Tình hình trên buộc các ngân hàng trung ương chủ chốt phải có phản ứng mạnh mẽ, tăng chi phí cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của WB cảnh báo biện pháp này có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương cần phải tăng thêm tăng lãi suất - đây là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản này, WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường