Vàng thế giới đi xuống phiên cuối tuần, đô la Úc tăng vọt lên cao nhất 8 tháng
Đồng USD tiếp tục tăng sau một báo cáo cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ giảm và lạm phát hạ nhiệt, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi một loạt cuộc họp của các ngân hàng trung ương vào tuần tới.
- 27-01-2023Tiền mặt dồi dào sau Tết nên gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào?
- 27-01-2023Sát ngày Vía Thần tài, giá vàng tăng vùn vụt
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, tháng 12/2022 đã giảm 0,2%, là tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng tháng 11 đã được điều chỉnh giảm từ mức tăng 0,1% trong báo cáo sơ bộ xuống giảm 0,1%, đúng như dự đoán của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters.
Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE – chỉ báo về lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tin cậy sử dụng làm cơ sở hoạch định chính sách) tháng 12/2022 tăng 0,1%, sau khi tăng ở mức tương tự trong tháng 11.
Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối của Monex Europe cho biết: "PCE của Mỹ đã ‘hạ cánh’ như mong đợi của nhiều người, và như vậy sẽ có rất ít tác động đến quyết định sắp tới của Fed".
Cũng theo ông Havey: "Dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ cho phép các quan chức Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và rút ngắn thời gian tăng lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng áp lực giá cả giảm như hiện nay sẽ khiến Fed dừng việc tăng lãi suất vào tháng 3, với mức lãi suất cuối cùng tối đa sẽ là 5%".
Các nhà giao dịch theo dõi sát sao lãi suất chính sách của Fed, và hiện đang đặt cược vào khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm trong cuộc họp vào tuần tới, sau đó sẽ tăng thêm một lần 1/4 điểm nữa trước khi dừng lại. Phạm vi lãi suất cuối cùng sẽ ở mức khoảng 4,25% đến 4,5%. Nếu Fed thực hiện chiến thuật giảm thắt chặt tiền tệ thì chắc chắn USD sẽ giảm mạnh.
Đồng euro kết thúc phiên 27/1 giảm 0,2% xuống 1,0869 USD, nhưng vẫn không rời xa mức cao nhất 9 tháng, là 1,09295 USD đạt được vào thứ Hai (23/1).
So với đồng yen Nhật Bản, USD giảm 0,25% xuống 129,895 JPY do dữ liệu lạm phát nóng ở Tokyo làm gia tăng khả năng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có thể sắp thắt chặt tiền tệ.
Dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở thủ đô của Nhật Bản trong tháng 1/2023 đã tăng lên mức cao nhất gần 42 năm, gây áp lực buộc BOJ có thể phải từ bỏ gói kích thích kinh tế.
Ông Shinichiro Kadota, chiến lược gia của ngân hàng Barclays ở Tokyo, cho biết: "Thị trường vẫn rất kỳ vọng vào việc BOJ có thể thay đổi lập trường chính sách bất cứ lúc nào, bao gồm cả cuộc họp tiếp theo, vào tháng 3, và điều đó sẽ giữ giá đồng yên duy trì xu hướng tăng, có thể xuyên thủng đáy 125 JPY/USD".
Hiện tại, tâm điểm chú ý của thị trường chuyển sang một loạt các quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương, với Ngân hàng trung ương Mỹ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh đều sẽ đưa ra quyết định về lãi suất vào tuần tới, khi họ đánh giá những điều chỉnh chính sách nào có thể sẽ cần thiết trong cuộc chiến chống lại lạm phát giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu lâm vào khó khăn.
Đồng bảng Anh giảm 0,28% xuống 1,23765 USD do các nhà đầu tư lo ngại rằng sự suy giảm của nền kinh tế Anh có thể khiến Ngân hàng trung ương nước này sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ, một động thái có thể làm suy yếu đồng bảng trong ngắn hạn.
Đô la Úc tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng khi thị trường lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã kích thích nhu cầu đối với các tài sản rủi ro trên toàn cầu.
Đồng đô la Úc kết thúc phiên 27/1 ở mức 0,7125 USD/AUD, có thời điểm đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 6, là 0,7142 USD, tính chung cả tuần tăng 2,2%. Các nhà phân tích dự đoán AUD sẽ còn tiếp tục tăng, lên 0,7282 USD, với mức hỗ trợ là 0,7063 USD.
Đô la New Zealand tăng 0,3% trong tuần này, lên 0,6495 USD/NZD.
Đồng đô la Úc đang hồi phục so với hầu hết các đồng tiền lớn, với việc tăng 2,5% so với yen Nhật và 1,8% so với euro trong tuần này. Tính từ tháng 10 đến nay, đô la Úc đã tăng gần 15%, một phần nhờ vào quyết định bất ngờ của Trung Quốc trong việc từ bỏ chính sách Zero Covid.
Đô la Úc cũng đạt mức cao nhất trong 20 tháng đối với đồng đô la Canada sau khi Ngân hàng Trung ương Canada trở thành một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trong số các quốc gia phát triển tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục tăng lên 23.146 USD vào lúc kết thúc ngày 27/1 theo giờ Việt Nam, tính chung cả tuần tăng khoảng 1%, là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Giá Bitcoin ngày 27/1.
Giá vàng tiếp tục giảm do USD mạnh lên. Theo đó, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.925,99 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,2% xuống 1.926,10 USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết: "[Fed] cần được thuyết phục (để giảm tốc độ tăng lãi suất) và các chỉ số mà họ ưa thích sử dụng làm cơ sở quyết định đang cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng tôi nghĩ (Fed) vẫn cần phải làm thêm một số việc nữa".
Ông Moya cho biết thêm rằng thị trường vẫn đang hậu thuẫn cho mặt hàng vàng vì suy thoái kinh tế sẽ có xu hướng khuyến khích mọi người tìm đến vàng và vàng thỏi vẫn có thể lấp lánh trong môi trường lãi suất tăng chậm lại.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường