"Vàng trắng" tăng giá, nông dân phấn khởi
Người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang vui mừng vì giá cao su tăng cao. Đây là động lực để các hộ trồng cao su duy trì diện tích cây trồng, chú trọng đầu tư, chăm sóc vườn cây.
Giá mủ cao su tăng cao nhất sau hơn 4 năm
Hơn một tháng qua, giá thu mua mủ cao su tăng vụt khiến nhiều hộ nông dân trồng cao su ở Bình Phước phấn khởi; đây là giá mua cao nhất sau hơn 4 năm luôn ở mức thấp.
Từ đầu mùa đến nay, giá mủ cao su được các thương lái thu mua với giá liên tục tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước, đã và đang mang lại niềm vui cho người dân.
Nếu như trong năm 2023, giá mủ cao su tươi chỉ bán được với giá dao động từ 240-270 đồng/ độ mủ (TSC), trong thời điểm hiện tại các điểm thu mua lẻ, đại lý, công ty kinh doanh cao su đang thu mua với giá từ 470-490 đồng/độ mủ.
Còn giá thu mua mủ nước vào thời điểm bắt đầu thu hoạch cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua dao động khoảng 380-385 đồng/độ mủ. Riêng mủ chén đã đông, thương lái mua với giá 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với đầu mùa.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Đạt (ngụ thị trấn Tân Phú) bắt đầu công việc cạo mủ cao su từ 1h đến 6h sáng. Vất vả là thế, nhưng ông Đạt không cảm thấy mệt mỏi, vì đây là năm đầu tiên gia đình ông được hưởng niềm vui khi giá mủ cao su tăng cao.
Năm 2010, ông Đạt chuyển đổi 2ha điều sang trồng cao su. Tuy nhiên, đến thời kỳ thu hoạch thì giá mủ cao su liên tục giảm, thu không đủ bù chi khiến kinh tế gia đình ông rất khó khăn.
Thời điểm đó, không ít hộ dân xung quanh chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
"Gia đình tôi cũng tiến thoái lưỡng nan, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ lại vườn cao su", ông Đạt nhớ lại.
Hiện, mủ cao su đông được thu mua với giá 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tháng ông Đạt thu lãi hơn 15 triệu đồng từ vườn cao su.
Tại huyện Phú Riềng, nhiều hộ trồng cao su cũng vui mừng huy động nhân công để khai thác mủ cao su.
Ông Nguyễn Văn Bằng (ngụ xã Bình Tân) cho biết, hơn 2ha cao su của gia đình đã bước vào thời kỳ kinh doanh. Với giá mủ cao su hiện tại, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 25 triệu đồng/tháng.
"Giá mủ cao su hiện nay không thể so được với thời "hoàng kim", nhưng so với các năm trước... đã là mơ ước của người trồng cao su. Nguồn thu ổn định sẽ giúp ông cũng như bà con tái đầu tư chăm sóc vườn đạt sản lượng cao hơn", ông Bằng nói trong vui mừng.
Giá thu mua cao su thấp trong những năm qua dẫn đến một số hộ không có điều kiện đầu tư chăm sóc, vườn cây phát triển không tốt, năng suất thấp... Tuy nhiên, việc giá tăng trở lại sẽ giúp cho người dân trồng cao su có nguồn thu nhập ổn định, cũng như tái đầu tư cho cây trồng trong những năm tiếp theo.
Ông Lương Văn Đại, hộ thu mua mủ tại ấp 1 xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) cho biết, giá mủ năm nay cao hơn năm ngoái hơn 200 đồng/độ mủ, nhưng sản lượng năm nay thì lại giảm hơn năm ngoái. Như thời điểm này ông cũng chỉ thu mua tầm 4,5 đến 5 tấn/ngày, hiện tại ông đang thua mua vào với giá 470 đồng/độ mủ.
Giá tăng nhưng không nên phá vỡ quy hoạch
Không chỉ các hộ gia đình mà tại các nông trường, công ty trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, không khí làm việc cũng hào hứng hơn.
Công ty TNHH MTV Cao Su Bình Long với diện tích quản lý 14.873,93ha, trong đó diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC là 14.873,93ha.
Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: "Sau nhiều năm ì ạch, việc giá mủ cao su liên tục tăng trong thời gian gần đây giúp tinh thần làm việc của công nhân phấn khởi hơn hẳn. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá bán bình quân mủ cao su thành phẩm dao động khoảng 44,06 triệu đồng/tấn. Với giá mủ cao su hiện nay, cán bộ, công nhân viên hy vọng, tin tưởng thu nhập trong năm 2024 được nâng lên".
Theo thống kê đến cuối 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 244.000ha cao su. Cây cao su vẫn là một trong những loại cây trồng lâu năm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, chiếm hơn 50% diện tích cây lâu năm chủ lực của tỉnh.
Dù giá mủ liên tục tăng, nhưng theo nhiều hộ dân trồng cao su, sản lượng năm nay giảm khoảng 20% so với vụ mùa năm trước. Nguyên nhân sản lượng giảm xuống là do ảnh từ thời tiết cực đoan, một số vườn cây ít đầu tư chăm sóc do giá thấp, giá cả mùa màng bấp bênh…
Ông Trần Chí Thanh, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú) cho biết thời điểm này, giá thu mua mủ cao su đã tăng vụt lên so với so với năm ngoái. Giá năm ngoái chỉ có 280đồng/độ mủ, tại thời điểm này đang là 480đồng/độ mủ, đây là tín hiệu mang lại nhiều niềm vui cho nông dân.
Tuy giá đã cao hơn so với 4 năm trở lại đây, nhưng sản lượng mủ năm nay thấp hơn so với năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết và một số hộ dân đầu tư ít nên ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
"Thời gian qua, việc bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng. Qua đó, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng", ông Thanh cho biết thêm.
Để bảo đảm vườn cây sinh trưởng tốt, có sản lượng cao, người trồng cao su nên đầu tư chăm sóc, giảm số lần cạo, chỉ cạo D2 (2 ngày cạo 1 lần) hoặc D3 (3 ngày cạo 1 lần). Việc tận thu cạn kiệt lượng mủ trong cây cao su để bù lại thời điểm giá cả thấp sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất mủ và chất lượng vườn cây.
Việc giá "vàng trắng" tăng vụt so với đầu năm không chỉ giúp cho người trồng cao su có nguồn thu cao hơn, cả thiện thu nhập, có cuộc sống ổn định mà còn tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần thực hiện đúng quy hoạch, định hướng của địa phương, không nên thấy giá cao su tăng cao mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ phá vỡ quy hoạch trồng cao su của tỉnh Bình Phước, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Người Đưa Tin