"Vành đai, Con đường" sống khỏe, che chở doanh nghiệp Trung Quốc giữa "bão" cấm vận của Mỹ?
Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) - đơn vị bị Mỹ trừng phạt do vai trò ở biển Đông - tìm cách giảm bớt những rủi ro đang tăng lên do quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung.
- 10-09-2020Không màng đến căng thẳng leo thang, một loạt công ty tài chính quyền lực nhất Phố Wall vẫn nỗ lực 'chen chân' để giành lấy 'miếng ngon' tại Trung Quốc
- 10-09-2020Doanh nghiệp Trung Quốc nói gì về loạt giao dịch "bán nhầm" hàng chục nghìn cổ phiếu gần đây?
- 08-09-2020TTCK Trung Quốc: Không phải công nghệ, một quả bong bóng đáng sợ hơn đang được thổi phồng bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp
CCCC, doanh nghiệp chuyên về xây dựng và thiết kế cơ sở hạ tầng cũng như nạo vét, gia tăng đầu tư vào các dự án ở nước ngoài, một phần nguyên nhân do Mỹ đã đưa 5 công ty con của tập đoàn quốc doanh Trung Quốc này vào danh sách đen do có vai trò hỗ trợ Trung Quốc cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo trên biển Đông.
Tập đoàn Trung Quốc xác nhận rủi ro khi bị Mỹ trừng phạt
CCCC đã nêu ra những rủi ro tiềm tàng đối với khả năng gia tăng các dự án ở nước ngoài trong một văn bản cập nhật giao dịch cho các sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải vào cuối tuần trước.
Trong khi công ty đề cập đến những rủi ro địa chính trị lớn hơn đối với các dự án ở nước ngoài, việc CCCC bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi, vì đây là lần đầu tiên Mỹ nhắm mục tiêu vào một công ty xây dựng tham gia trong sáng kiến "Vành đai, Con đường". Ý nghĩa của quyết định này có thể gây ra những ảnh hưởng đến chương trình lớn hơn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại khu vực của Trung Quốc.
“Quan hệ Trung-Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Do xung đột chính trị ngày càng tăng, những yếu tố bất ổn xung quanh các hoạt động ở nước ngoài của tập đoàn CCCC đã tăng lên,” trích thông cáo của CCCC.
“Tuy nhiên, đầu tư cho cơ sở hạ tầng là một động lực kích thích kinh tế trên toàn cầu. Đây là lý do tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục xúc tiến sáng kiến 'Vành đai, Con đường'. Việc Trung Quốc tập trung vào các dự án 'Vành đai, Con đường' đã trở thành một chiến lược quan trọng và đây là một giai đoạn có nhiều cơ hội”.
Hai tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 24 công ty quốc doanh Trung Quốc vào Danh sách thực thể bị cấm vận do các doanh nghiệp này hỗ trợ xây dựng trái phép các tiền đồn “quân sự hóa” của Trung Quốc trên biển Đông. Danh sách đen này bao gồm khoảng 300 công ty Trung Quốc khác bao gồm cả tập đoàn viễn thông Huawei.
Chính phủ Mỹ cấm các công ty trong nước kinh doanh với các công ty trong danh sách hoặc xuất khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp này, trừ khi họ nhận được giấy phép đặc biệt. Tập đoàn CCCC đưa ra cảnh báo một số dự án "Vành đai, Con đường" vẫn có thể bị phá sản do chính phủ vỡ nợ, hoạt động xây dựng bị trì hoãn quá lâu và không kí kết được các thỏa thuận. CCCC cho biết thêm, gần 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức kinh tế quốc tế đã ký 200 thỏa thuận về các dự án "Vành đai, Con đường" với Trung Quốc.
Tìm lối thoát trong các dự án "Vành đai, Con đường"
CCCC cho biết số lượng các dự án mới ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2020 của họ đã tăng nhẹ so với năm ngoái. Hiện tập đoàn có 855 dự án nước ngoài đang xây dựng với tổng giá trị hợp đồng khoảng 141,1 tỷ USD. Có những lo ngại khác rằng việc Mỹ đưa vào danh sách đen một số công ty thành viên tập đoàn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các công ty con khác thuộc CCCC, dù không có trong danh sách đen - bao gồm các công ty con ở Australia như John Holland, hay Friede & Goldman có trụ sở tại bang Texas, Mỹ.
Bất chấp những lo ngại, nhiều công ty thành viên của CCCC vẫn tiếp tục công việc của các dự án "Vành đai, Con đường" sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra.
Tháng trước, Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đã cử 168 công nhân tiếp tục làm việc trong các dự án của họ ở Sri Lanka, cụ thể là dự án thành phố cảng Colombo, dự án xử lý chất thải rắn thành phố và dự án xây dựng nhà ở tại thủ đô Colombo, sau khi Sri Lanka và Trung Quốc đồng ý nối lại các hoạt động dự án để bù đắp cho những chậm trễ do ảnh hưởng của đại dịch.
Công ty China Harbour gửi công nhân sang Cameroon tiếp tục làm việc trong dự án cảng nước sâu Kribi và các dự án "Vành đai, Con đường" khác, bao gồm dự án đường cao tốc Yaounde-Douala.
Vào tháng 4, một liên danh trong đó có China Harbour đã giành được hợp đồng phát triển Cơ sở quản lý chất thải tổng hợp Tuas Nexus của Singapore trị giá 1,5 tỷ đô la Singapore (1,1 tỷ USD).
Thành phố cảng Colombo của Sri Lanka là một trong số dự án có sự tham gia của CCCC tại nước ngoài (Ảnh: CCCC)
Một công ty con khác của CCCC, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, đã mở một phần giai đoạn hai của Đường cao tốc Karakoram để thông xe. Đây là một dự án giao thông trọng điểm thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), còn được biết đến là Đường cao tốc hữu nghị Trung Quốc-Pakistan.
CCCC không chỉ là công ty Trung Quốc duy nhất đạt được nhiều tiến triển trong các dự án "Vành đai, Con đường". Theo Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), công việc của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc trên tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đã được hoàn thành tháng trước.
Kể từ khi Lầu Năm Góc công bố bản danh sách đen đầu tiên và sau đó là danh sách đen bổ sung 11 công ty Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc Washington sử dụng những quan ngại về “an ninh quốc gia” như một cái cớ để chống lại các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Philippines cho biết sẽ không dừng các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận, mà sẽ hành động vì lợi ích của nước mình. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ không tuân theo các quyết định Washington vì đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên quốc gia, phù hợp với cách tiếp cận của CCCC.
Tổ Quốc