Vào nhà nước, ngày làm 8 tiếng, ổn định là hoài phí cuộc đời? Nhìn nữ công chức 8X từng du học Mỹ, Anh, được Forbes vinh danh này để thấy bạn đã nhầm lẫn như thế nào
Rõ ràng đối với những người luôn nỗ lực hằng ngày, thì dù ở trong hay ngoài biên chế nhà nước điều đó không còn quan trọng nữa.
Từ quan điểm ổn định trong biên chế nhà nước bên Trung Quốc...
Mới đây, câu chuyện đi làm nhà nước ổn định trích từ cuốn sách "Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống", tác giả Lý Thượng Long được nhiều người hưởng ứng nhiệt tình.
Nhân vật D được Lý Thượng Long nhắc đến từng tự hào nói: "Trong biên chế thì ổn định, thu xếp xong chuyện hộ khẩu, mỗi tháng có lương đều đều, khỏi phải lo cơm áo, tha hồ thời gian làm việc mình muốn."
D lựa chọn làm nhà nước ổn định, nhưng rồi kết quả không như kỳ vọng, không được điều chuyển về Bắc Kinh như mong muốn. Bạn của D, một người 30 tuổi đã ổn định được nửa cuộc đời, đã cưới vợ và chuẩn bị sinh con, nhưng đột nhiên bị kỷ luật khai trừ khỏi tổ chức, cũng khuyên D hãy rời biên chế.
Thế nhưng phía sau câu chuyện của D, Lý Thượng Long lại đưa ra một kết quả đầy bất ngờ:
Sau này tôi mới biết, D đã tìm gặp rất nhiều người, tốn không ít tiền để mong được về Bắc Kinh, nhưng không được. Sau khi vỡ mộng, tuy sống trong biên chế nhưng hắn không oán trách số phận, chỉ trích, thậm chí đòi xin thôi việc. Ngược lại, hắn đã cố công lấy được chứng chỉ phiên dịch trung cấp và kiểm toán viên.
Hắn thường tắt máy điện thoại, hằng ngày trừ việc gọi điện cho bố mẹ hoặc nói chuyện với bạn bè ra, thời gian còn lại dồn hết cho việc học. Có những hôm phải làm thêm, nhưng hắn tranh thủ từng thời khắc lôi bài ra ôn luyện. Sự kiên trì đó chính là hy vọng.
Bạn muốn biết kết quả không?
Hắn thi đỗ kiểm toán viên, thi đỗ phiên dịch viên với điểm số rất cao. Do có thành tích xuất sắc, không lâu sau một lãnh đạo Bắc Kinh để ý hắn. Điểm thú vị ở chỗ dù mắc tội với rất nhiều lãnh đạo nhưng khi Bắc Kinh cần người, vị lãnh đạo kia chợt phát hiện ra đơn vị mình còn có một viên ngọc sáng như thế, nhất định đòi đưa lên Bắc Kinh.
"Hiện giờ tớ đang đắn đo không biết có nên về Bắc Kinh chăng?", hắn cười bảo tôi qua điện thoại. Lý do hắn đưa ra là ở đây đãi ngộ tốt hơn rất nhiều.
Một năm trước D từ một người không thể tự quyết định số phận của bản thân. Quan hệ xã hội quá phức tạp, mất tập trung một chút, số phận đã khiến hắn chuyển sang một hướng khác. Nhưng chính nhờ không lùi bước, nên dù có làm việc trong biên chế, tuy có rất nhiều việc bản thân không tự quyết được, hắn vẫn luôn kiên trì học tập, giữ vững trạng thái tiến bộ từng ngày, sao cho dù có không làm biên chế nữa, cuộc sống vẫn có thể ổn tốt.
D gửi cho tôi một tin nhắn nói về đạo lý. Có hai kiểu người sống trong biên chế.
Một là kiểu người sống dựa vào các quan hệ. Sống kiểu này dễ lắm, con đường thăng tiến của bản thân phụ thuộc vào lãnh đạo và quan hệ. Nếu gặp được cấp trên tốt thì tốt quá, nhưng nếu không thì dẫu to gan cứng cổ cũng nên cụp đuôi ngoan ngoãn cúi đầu.
Hai là kiểu người sống dựa vào năng lực bản thân. Kiểu người này, dù ở đâu cũng thế, giống như cái USB vậy, có lắp vào máy chủ nào cũng chạy được cả. Tiền đồ vận mệnh của họ là do kỹ năng chuyên môn. Chỉ cần quan hệ không quá tệ, thì có thể sống rất tự do. D hiện tại chính là kiểu người thứ 2.
... tới nữ công chức chắp bút đề án quốc gia về Khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam
Câu chuyện của D do Lý Thượng Long viết có thể là hư cấu hoặc có thể là thực tế ở Trung Quốc. Thế nhưng ở môi trường nào cũng vậy, dù Nhà nước hay Tư nhân, vẫn sẽ luôn có người biết vươn lên và cũng có những người mãi đứng im rồi tụt lùi.
Nhìn về thực tế ở Việt Nam, cũng có những gương mặt công chức thời đại mới, biết vươn lên dựa vào năng lực bản thân như nhân vật D của Lý Thượng Long.
Tháng 1/2018, tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 30 Under 30 - 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2018. Đây là lần thứ ba tạp chí này thực hiện danh sách tôn vinh những gương mặt trẻ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có những ảnh hưởng tích cực trong ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của họ tại Việt Nam.
Một điểm khá thú vị của năm nay là bên cạnh những doanh nhân trẻ, những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đang có những thành công đáng chú ý, còn có các cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, sáng tạo, thể thao và 1 gương mặt đến từ khối Nhà nước: Phan Hoàng Lan, 30 tuổi, làm việc tại Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ảnh: Zing
Theo giới thiệu của Forbes, Phan Hoàng Lan là gương mặt có nhiều đóng góp cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Trong vòng 3 năm quá, Lan dành nhiều nỗ lực để xây dựng và bảo vệ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nước.
Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) do Phan Hoàng Lan là một trong những thành viên chắp bút, được coi là đề án quốc gia về khởi nghiệp đầu tiên, đánh dấu sự vào cuộc của Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sự kiện sinh thái khởi nghiệp hằng năm - TECHFEST Việt Nam bắt đầu từ năm 2015 do Lan đồng khởi xướng thu hút tổng cộng 10 ngàn lượt người và hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp cùng các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế. Khối lượng đầu tư được kết nối từ sự kiện tăng từ 1,5 triệu đô la Mỹ năm 2015 lên khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ vào năm 2017.
Ngoài vai trò tại NATEC, Lan còn là thành viên nhóm Startup Club tư vấn chính sách liên quan đến khởi nghiệp từ tháng 1.2016 tới nay. Tại đây, Lan cùng các luật sư và những người ủng hộ chính sách khởi nghiệp nghiên cứu, xác định các rào cản chính sách đối với doanh nghiệp khởi nghiệp , từ đó đề xuất áac giải pháp với các bộ, ngành liên quan (nhóm từng đề xuất loại bỏ Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015).
Lan hiện đang học tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh, ĐH Swinburne (Chi nhánh Sarawak, Malaysia). Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành kinh tế phát triển đại học Oxford (Anh) và cử nhân ngành kinh tế ĐH Smith (Mỹ).
Trí thức trẻ