MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấp phản đối từ hai phía, Kế hoạch Gaza của Mỹ có nguy cơ "chết yểu"?

08-06-2024 - 22:06 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 31/5/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra kế hoạch gồm ba giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza kéo dài hơn 8 tháng nay.

Kế hoạch này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cả Israel và Hamas đều chưa tuyên bố chính thức chấp nhận.

Nội dung kế hoạch của Tổng thống Biden

Giai đoạn đầu tiên: Ngừng bắn toàn diện kéo dài 6 tuần, lực lượng Israel rút khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Dải Gaza; Hamas thả một số con tin Israel bị giam giữ gồm phụ nữ, người già và người bị thương; đổi lại, Israel thả hàng trăm tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại Israel.

Trong giai đoạn này, thường dân Palestine có thể trở về nhà của mình ở tất cả các khu vực của Gaza, bao gồm cả phía Bắc. Viện trợ nhân đạo được phép vào Dải Gaza tăng từ 250 - 350 lên 600 xe tải mỗi ngày.

Đồng thời, Israel và Hamas sẽ đàm phán về các thỏa thuận cần thiết để bước sang giai đoạn hai, chấm dứt chiến sự cuối cùng.

Vấp phản đối từ hai phía, Kế hoạch Gaza của Mỹ có nguy cơ "chết yểu"?- Ảnh 1.

Các tòa nhà ở Dải Gaza bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AP

Giai đoạn hai: Hamas trao trả tất cả các con tin bị giam giữ còn sống, gồm cả nam binh sĩ; lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza, lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ chuyển thành “sự chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch” nếu cả hai bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ. Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ đảm bảo các cuộc đàm phán tiếp tục trong thời gian này đến khi "đạt được tất cả các thỏa thuận" để bắt đầu giai đoạn ba.

Giai đoạn ba: Triển khai tái thiết Dải Gaza. Hài cốt của những người Israel bị giam giữ còn lại đã thiệt mạng cũng sẽ được trao trả. Các quốc gia Ả Rập và cộng đồng quốc tế sẽ tham gia đảm bảo Hamas không tái vũ trang. Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác để xây dựng lại nhà cửa, trường học và bệnh viện ở Gaza - nơi chiến tranh đã khiến gần 2,3 triệu dân phải di dời và gây ra nạn đói trên diện rộng.

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng đề xuất mà ông đưa ra không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của Israel vì "phần lớn sức mạnh quân sự của Hamas đã bị tiêu diệt và lực lượng này không còn khả năng tiến hành một cuộc tấn công tương tự như ngày 7/10/2023".

Nội bộ Israel bất đồng

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước tình thế khó xử, chưa quyết định liệu có chấp thuận đề xuất của Tổng thống Biden hay không. Tuy nhiên, ông Netanyahu khẳng định các điều kiện của Israel để chấm dứt chiến tranh không thay đổi, bao gồm việc tiêu diệt các năng lực quân sự và hệ thống chính quyền của Hamas, thả tất cả con tin và đảm bảo Gaza sẽ không gây ra bất cứ mối đe dọa nào cho Israel nữa.

Ông Netanyahu nói: "Sẽ không có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho đến khi tất cả các mục tiêu của Israel được đáp ứng".

Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ chỉ thực hiện giai đoạn đầu trong kế hoạch của Mỹ, tức là chấp nhận ngừng bắn với Hamas 42 ngày để giải thoát các con tin, nhưng không cam kết về hai giai đoạn tiếp theo.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng ông Netanyahu đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, tìm cách kéo dài cuộc chiến để bảo toàn sự sống còn chính trị của mình.

Thủ tướng Israel cũng đang phải chịu sức ép của Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, cũng như từ gia đình của các con tin Israel muốn người thân của họ trở về và phe cực hữu đe dọa giải tán chính phủ liên minh.

Các thành viên cực hữu trong chính phủ Israel đứng đầu là Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich tuyên bố phản đối bất kỳ thỏa thuận nào cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn, con tin không phải là ưu tiên hàng đầu và đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu nếu ông chấp nhận thỏa thuận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Israel Yair Lapid - lãnh đạo phe đối lập - tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ nếu ông Netanyahu chấp nhận kế hoạch của Mỹ và hai ông Ben Gvir và Smotrich rời khỏi chính phủ.

Hàng chục nghìn người Israel đã biểu tình ở Tel Aviv yêu cầu chính phủ nước này chấp nhận thỏa thuận với Hamas để giải thoát con tin.

Phong trào Hamas bác bỏ quan điểm của Israel

Phong trào Hamas tạm thời hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Biden. Ngày 2/6, Osama Hamdan - một quan chức của Hamas - nói: "Tuyên bố của Tổng thống Biden bao gồm những ý tưởng tích cực, nhưng chúng tôi muốn điều này thành hiện thực trong khuôn khổ một thỏa thuận toàn diện đáp ứng nhu cầu của chúng tôi."

Hamas hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ bởi vì ông hứa đảm bảo một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, rút toàn bộ quân Israel khỏi Dải Gaza, tăng viện trợ nhân đạo, đưa người tị nạn trở về nhà, trao đổi những người bị giam giữ và khởi động chiến dịch tái thiết Gaza. Hamas yêu cầu những lời hứa này phải được ghi rõ vào thỏa thuận.

Theo báo Al-Sharq của Ả Rập Saudi có trụ sở tại London, Hamas đã bác bỏ đề xuất của Israel về việc thả con tin và lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza vì nó "hoàn toàn khác với tuyên bố của Tổng thống Biden". Hamas cho biết họ không chấp nhận thỏa thuận vì nó không đáp ứng yêu cầu của phía Palestine là chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến ở Dải Gaza.

Quan điểm của chính quyền Israel đi ngược lại hoàn toàn các nguyên tắc tích cực được Tổng thống Mỹ công bố. Tel Aviv nói chỉ chấp nhận một lệnh ngừng bắn tạm thời, quân đội Israel (IDF) sẽ chỉ giảm bớt các hành động quân sự để đổi lấy con tin và sau đó sẽ quay trở lại để tiêu diệt Hamas. Mục tiêu chính của phía Israel là lấy lại con tin chứ không phải giải quyết cuộc xung đột.

Hamas muốn có sự đảm bảo rõ ràng về việc chấm dứt chiến tranh.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào ngăn cản Israel đạt được mục tiêu quân sự là tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Ismail Haniyeh - thủ lĩnh chính trị của Hamas - khẳng định, Hamas sẽ tiếp cận “nghiêm túc và tích cực” đối với bất kỳ đề xuất nào dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự và rút hoàn toàn quân Israel khỏi Dải Gaza.

Vấp phản đối từ hai phía, Kế hoạch Gaza của Mỹ có nguy cơ "chết yểu"?- Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải chịu sức ép từ phía Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh. Ảnh: AP

Kế hoạch Gaza của Tổng thống Biden phục vụ chiến dịch tranh cử ở Mỹ

Tổng thống Biden đưa ra kế hoạch này trong bối cảnh chiến dịch tranh cử đang diễn ra tại Mỹ. Bị cáo buộc ủng hộ Israel trong cuộc chiến tại Gaza, thông qua kế hoạch này, ông Biden muốn làm dịu tình hình ở để tranh thủ phiếu của cộng đồng người Hồi giáo và Ả Rập trong cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 5/11 tới.

Kế hoạch này cũng gây thêm áp lực lên liên minh cầm quyền ở Israel, vốn đang có nhiều bất đồng, chấp nhận giải pháp để các con tin được trả tự do, đặc biệt trong tình hình cuộc chiến ở Gaza bế tắc, đến nay đã hơn 8 tháng vẫn không đạt được các mục tiêu đề ra cho chiến dịch quân sự.

Mặt khác, khi đưa ra kế hoạch này, ông Biden cũng mong muốn sớm ký được hiệp định hợp tác chiến lược với Ả Rập Saudi, khi dự thảo cuối cùng đã đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp giữa Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong chuyến thăm Riyadh ngày 18/5/2024.

Thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, Washington tìm cách xoa dịu tình hình nhằm ngăn chặn cuộc chiến leo thang và mở rộng ra toàn bộ khu vực. Cuộc chiến này sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, đặc biệt trong khi Washington đang phải tập trung giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nên không thể cùng một lúc đối phó trên nhiều mặt trận.

Cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đã kéo dài 8 tháng, với sức mạnh quân sự khổng lồ mà không tiêu diệt được Hamas và giải phóng con tin, ngược lại nó đã giết chết quá nhiều thường dân Palestine vô tội, trong đó phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người già.

Tình hình trên chiến trường cho thấy Israel không thể đảm bảo an ninh cho mình thông qua một cuộc chiến không có hồi kết và không thể giành được thắng lợi tuyệt đối trước Hamas.

Giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột là chấp nhận ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn, rút toàn bộ quân đội về nước, thả toàn bộ con tin, tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.

Quả bóng đang nằm bên sân của Israel.


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống Pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên