MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VARS: "Nhiều chủ đầu tư thay vì chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng góp vốn"

03-11-2023 - 14:21 PM | Bất động sản

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo VARS, một số chủ đầu tư bất động sản thay vì chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng tiếp tục theo đuổi thị trường bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng góp vốn thực hiện. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản trong nước theo hình thức mua lại cổ phần.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết trong quý III, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản vẫn duy trì được nhiều sự quan tâm.

Một số chủ đầu tư thay vì chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng tiếp tục theo đuổi thị trường bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng góp vốn thực hiện. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản trong nước theo hình thức mua lại cổ phần.

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ một số quốc gia như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia. Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng 20 - 50 triệu USD. Những dự án pháp lý sạch, có tiềm năng, vị trí đẹp cùng giá bán giảm 10 - 20% được ưu tiên hơn cả.

Trên thị trường chung, 2 phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm nhất là bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp.

Trong đó, các hoạt động M&A bất động sản công nghiệp được giới chuyên gia đánh giá diễn ra khá sôi động trong quý vừa qua. Minh chứng là hầu hết các thương vụ thành công thuộc về M&A các khu công nghiệp. VARS kỳ vọng nhiều thương vụ đang trong quá trình đàm phán sẽ đi đến hồi kết vào cuối năm nay.

Phân khúc bất động sản nhà ở trong quý III cũng ghi nhận những thương vụ lớn. Đơn cử như cuối tháng 7 vừa qua, Gamuda Berhad (Malaysia) đã thông qua công ty con tại Việt Nam là Gamuda Land để mua lại CTCP Bất động sản Tâm Lực - chủ dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức (TP HCM) - với giá 315,8 triệu USD. Dự án của Tâm Lực còn có tên pháp lý là Khu nhà ở Tâm Lực thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, Keppel Land (Singapore) cũng thông qua công ty con sở hữu 100% vốn là VN Prime Vietnam để chi khoảng 1.230 tỷ đồng mua lại 65% cổ phần của một công ty sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội.

Ngoài ra, báo cáo của Savill cũng chỉ ra một số thương vụ M&A khác. Cụ thể, SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua 2.060 m2 đất tại Quận 8, TP.HCM, từ Công ty Cổ phần Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD để phát triển dự án bất động sản nhà ở.

Công ty Cổ phần Địa ốc First Real Land (Việt Nam) đã mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất diện tích 6.879 m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD.

Tập đoàn Saigonres (Việt Nam) đã thực hiện các thủ tục M&A để mua 90% cổ phần của Công ty Cổ phần Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu của một lô đất diện tích 7.700 m2 tại Quận Tân Phú, TP.HCM.

Tập đoàn F.I.T (Việt Nam) đã chính thức thoái vốn khỏi dự án khu resort biển Cap Padaran Mũi Dinh có diện tích 800 hecta tại tỉnh Ninh Thuận.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của VARS, bên cạnh những thương vụ thành công thì cũng có không ít thương vụ bị kìm chân do rào cản về vướng mắc về pháp lý. Việc nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa khiến hoạt động M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng.

Trước đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam đã cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn hẳn các năm trước, thậm chí còn nhiều hơn cả giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Khoảng 50% trong số nhà đầu tư là các tên tuổi mới trên thị trường, trước đây thường là một số quốc gia quen thuộc như Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật nhưng nay còn có cả Nam Phi, Ả Rập,…

Hồi giữa quý II, Colliers Việt Nam cũng từng nhận định rằng các hoạt động mua bán, sáp nhập và hợp tác tuy chậm lại vào năm ngoái, song nhiều khả năng thị trường sẽ có một mùa M&A sôi động trong vài quý tới.

Tâm Nguyên

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên