Hoang mang trước ma trận tôn giả: Doanh thu lớn, nộp thuế như không
Dù đạt doanh thu lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh tôn lại có mức nộp thuế thấp đến khó hiểu. Sau loạt bài trênTiền Phong, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) sẽ tổng kiểm tra tôn giả, tôn nhái tại 6 địa phương trọng điểm.
Nộp thuế cho vui
Sau loạt bài trên báo Tiền Phong, được biết một số cửa hàng có tai tiếng bán hàng “đôn rem” (gian lận độ dày) và bán hàng tôn nhái các thương hiệu uy tín ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đã bắt đầu rục rịch chuyển các hàng giả, nhái ra khỏi cửa hàng. Trong các xưởng của nhiều doanh nghiệp, lượng tôn giả, tôn nhái nhãn mác giảm rất mạnh. Chỉ còn những tôn chính hãng được bày bán với số lượng ít.
Theo thông tin thu thập được từ các cơ quan chức năng, bên cạnh việc buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà Tiền Phong nêu trong bài viết có những điểm khá bất ngờ.
Trong số các doanh nghiệp được nêu tên qua các bài viết về việc bán hàng “đôn rem”, nhiều doanh nghiệp năm 2013 dù doanh thu lớn, nhưng nộp thuế rất thấp. Cụ thể như Cty TNHH Thịnh Kiệm (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) doanh thu 14 tỷ đồng, số thuế nộp năm 2013 chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng. Tương tự, Cty TNHH T.L (Ninh Xá, Bắc Ninh) đạt doanh thu 21 tỷ đồng năm 2013, kê khai bị lỗ.
Còn với Cty TNHH Thương mại Minh Việt (quận An Dương, Hải Phòng) có mức doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2013 là 5 tỷ đồng, nhưng không phải đóng một đồng thuế do được hoàn thuế. Tương tự, Cty TNHH Xây dựng và Vận tải Phú Hưng (huyện Thủy Nguyên) cũng đạt doanh thu 8 tỷ đồng, nhưng tiền thuế nộp cũng rất thấp.Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp tôn ở khu vực phía Bắc khẳng định, doanh nghiệp doanh thu kê khai cỡ 14 tỷ đồng, thuế nộp 8 triệu đồng là câu chuyện đùa. “Khó có thể chia sẻ hết các mánh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, nhưng với lợi nhuận như vậy không chấp nhận được. Hơn nữa, với tình hình kinh doanh chung của ngành tôn trong năm 2013, doanh nghiệp bị lỗ hoặc lãi thấp là chuyện lạ”, vị này nói.
Tổng kiểm tra thị trường
Ngày 20/11, ông Trịnh Văn Ngọc-Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) ký công văn gửi Chi cục Quản lý thị trường 6 tỉnh, TP (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ) triển khai ngay việc kiểm tra tôn giả, tôn nhái trên địa bàn.
Theo Cục Quản lý Thị trường, những thông tin về tình hình tôn giả, tôn nhái trên các địa bàn trên cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Đây không chỉ là phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng làm ăn phi pháp mà việc này đã thách thức các cơ quan quản lý nhà nước.
“Cục Quản lý Thị trường yêu cầu các Chi cục Quản lý Thị trường xác minh các thông tin đã đăng trên báo chí. Cùng đó, phối hợp với các doanh nghiệp chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp để làm rõ việc kinh doanh tôn giả trên thị trường. Khi phát hiện vi phạm, các chi cục chủ động hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn tổ chức triển khai kiểm tra, kiếm soát và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường yêu cầu.
“Từ lâu, vấn nạn hàng giả đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự tinh vi trong việc khai thác triệt để khả năng nhận biết đối với mặt hàng này từ phía người tiêu dùng. Tôn tấm lợp không phải mặt hàng tiêu dùng thường xuyên, nếu không có dụng cụ đo chuẩn, người tiêu dùng không thể phát hiện những hành vi gian lận. Nhất là trên sản phẩm vẫn có nhãn, mác đầy đủ”, ông Hùng nói.
Về tình trạng loạn tôn giả, tôn nhái trên thị trường, trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) khẳng định, đây là vấn đề lớn. Hành vi gian lận trong kinh doanh tôn tấm lợp cùng một lúc đã có nhiều vi phạm từ giả về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ đến độ dày, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đại diện Vinatas cũng đặt câu hỏi về việc tình trạng xảy ra từ lâu nhưng chưa có cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý. Vì vậy rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan thực thi để xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; chống thất thu thuế và đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.