Ngành thép cần tìm đường xuất khẩu
Năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép khi tình hình tiêu thụ sản phẩm không có đột biến. Bởi vậy, tìm kiếm thị trường xuất khẩu là phương án cần phải tính đến.
Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong nước năm 2013 và cả giai đoạn 2011-2013 gặp rất nhiều khó khăn do mất cân đối về cung - cầu.
Cụ thể, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết (năm 2011), nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn ở mức thấp, không ổn định. Việc thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào ngày càng nhiều và cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép trong nước cũng gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp, nhất là thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo nhập khẩu từ Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng.
Nhiều doanh nghiệp có thời điểm sản xuất chỉ đạt 40 - 50% công suất, làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm. Các doanh nghiệp thép phải cố gắng giữ giá thấp sát với giá thành để tăng sức cạnh tranh, đồng thời đối phó với sức ép cạnh tranh đến từ thép nhập khẩu.
Theo nhận định của ông Lê Phú Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép của xã hội chưa phục hồi, hoạt động đầu tư xây dựng trong nước suy giảm mạnh, giá bán giảm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như điện, gas, xăng dầu đều tăng giá nên tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2014 và 2015 tình hình thị trường thép được dự báo sẽ không có đột biến đáng kể, dự kiến sản lượng toàn ngành thép năm 2014 - 2015 chỉ tăng khoảng 2-3% so với năm 2013, đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ thép trong năm 2014 cũng không có đột biến, chỉ tăng 2-3% so với năm trước.
Do vậy, những năm tới, ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư năng lực sản xuất phôi thép nhằm tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.
Với việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hàng rào thuế quan của Việt Nam phải giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA; thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế về giá rẻ sẽ càng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước; các doanh nghiệp thép lại phải đối mặt với các vụ kiện chống phá giá tại một số quốc gia.
Do đó, ngành thép cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Phan Thu