Quảng Ngãi đề nghị được xuất khẩu đá vật liệu xây dựng
Tồn kho lớn, doanh nghiệp khai thác đá điêu đứng là lí do để UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị được phép xuất khẩu loại đá làm vật liệu xây dựng vốn không nằm trong danh mục được xuất khẩu.
Mặt khác, các doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến hơn 500 tỉ đồng để đầu tư cho 26 dự án khai thác mỏ ở Quảng Ngãi. Hiện nay, đã đến hạn phải trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp thì chắc chắn đến sau năm 2014, các doanh nghiệp này sẽ lâm vào cảnh nợ nần và có nguy cơ phá sản cao.
Trước khó khăn trên, các doanh nghiệp này đã được các đối tác Singapore đồng ý tiêu thụ với khối lượng rất lớn đá xây dựng có kích thước tiêu chuẩn từ 60-450mm để làm vật liệu xây dựng các công trình kè lấn biển từ nay đến năm 2020.
Nhưng loại vật liệu này lại không thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng được phép xuất khẩu theo quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 3 của Thông tư này có quy định: Khoáng sản không thuộc danh mục được phép xuất khẩu nhưng trong những trường hợp đặc biệt cần thiết có nhu cầu xuất khẩu, thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trữ lượng đã xây dựng trên địa bàn Quảng Ngãi cho phép khai thác từ nay đến năm 2020 là rất dồi dào (hơn 51 triệu m3). Nhưng nhu cầu tiêu thụ sảm phẩm trong tỉnh hàng năm tối đa chỉ đạt khoảng 1 triệu m3/năm. Tổng lượng tiêu thụ sản phẩm tối đa tính đến năm 2020 là khoảng 8 triệu m3. Như vậy lượng đá xây dựng dư thừa quá lớn.
Do đó UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 5 triệu m3 đá xây dựng có kích thước từ 60-450mm sang thị trường Singapore từ nay đến năm 2020.
Theo Lương Bằng