MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất kinh doanh VLXD vẫn “sống khỏe”

04-08-2013 - 17:42 PM |

Cứ ngỡ thị trường bất động sản đóng băng sẽ gây ảnh hưởng toàn diện tới ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thế nhưng, thực tế qua khảo sát có khá nhiều DN vật liệu xây dựng vẫn tăng trưởng đều.

Vật liệu cao cấp lên ngôi

Theo báo cáo của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, các DN VLXD Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho ở mức cao, nhiều DN sản xuất cầm chừng, khai thác công suất thấp, thậm chí một số DN đã phải ngừng sản xuất. 

Ngành xi măng chỉ khai thác được 70,5% công suất thiết kế, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, xi măng Áng Sơn 1, xi măng X77; Kính xây dựng hiện đang tồn kho khoảng 2 đến 2,5 tháng sản xuất, sản lượng chỉ đạt 50%; lượng hàng tồn kho của ngành thép hiện khoảng 300 nghìn tấn…

Tuy nhiên, bên cạnh những mảng tối của ngành VLXD vẫn có những DN nhờ thực hiện những giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Thông qua những dòng sản phẩm VLXD chất lượng cao hướng tới thị trường cao cấp hay những dòng sản phẩm tân tiến hướng tới những khách hàng tìm kiếm sản phẩm có độ bền cao, giá thành hợp lý nhiều DN đã vượt lên tạo nên những mảng sáng trong bức tranh của ngành.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty VIGLACERA Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Do đi đúng hướng, dù cạnh tranh khốc liệt, tất cả các sản phẩm sứ vệ sinh, sen vòi, đá ốp lát, granite… của VIGLACERA vẫn phát triển. Hơn thế, do đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, hiện nay các dòng sản phẩm sứ vệ sinh phủ nano, men nano nung… đang được thị trường ủng hộ. 

Sản phẩm gốm, ngói đất sét nung của công ty VIGLACERA Hạ Long có chất lượng cao và vươn lên dẫn dắt thị trường. Ngoài ra, Tổng Công ty cũng ký thỏa thuận hợp các với các nhà đầu tư, tư vấn trong nước trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của VIGLACERA. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, “trước tiên, DN phải cứu mình bằng năng lực DN, bằng sức cạnh tranh của sản phẩm” - ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Còn tại công ty cổ phần Tập đoàn nhựa Đông Á, Giám đốc kinh doanh Bùi Thẩm Châu cho hay, thị trường bất động sản đi xuống gần như không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Năm 2012, doanh thu của công ty tăng hơn 100% nhờ công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nhựa hiện đại.

Đối với Tập đoàn Hoa Sen thì việc thực hiện việc kiểm soát chất lượng toàn diện từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng, bảo đảm sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã giúp Tập đoàn Hoa Sen vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường.

Tìm lối ra

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2013 của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị các công trình xây dựng ở Việt Nam nên sử dụng VLXD Việt Nam. Trước tiên là ở các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước, ví dụ như các công trình xã hội, trụ sở các cơ quan… cần có quy định không nhập VLXD từ nước ngoài.

Để tìm tháo gỡ khó khăn cho thị trường VLXD, ông Trần Đức Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: Trên cơ sở cân đối cung cầu thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới, trên cơ sở nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD, trước mắt không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường mà nên đầu tư dây chuyền sản xuất kính Low-E, kính cường lực phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinafacade, đồng thời là Phó tổng thư ký Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam đề xuất: Nhà nước nên ưu đãi cho DN sử dụng phế thải công nghiệp, nông nghiệp để sản xuất VLXD. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nới lỏng các điều kiện cho DN vay đầu tư chiều sâu áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất mặt hàng XK.

Cũng theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất VLXD còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 - 30%, do vậy phải đẩy mạnh XK, đưa kim ngạch XK lên 2 tỷ USD, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất. Ngành VLXD cũng cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới XK VLXD vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức cho các DN hợp tác XK, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Đặc biệt, các DN phải chủ động khai thác các thế mạnh, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghệ sản xuất VLXD và công nghệ xây dựng mới. Có như vậy mới khẳng định được thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới.

Theo Xuân Thảo

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên