Vật thể từ hệ Mặt Trời khác lén lút hạ cánh xuống Trái Đất 8 năm trước
NASA đã chụp được vật thể bí ẩn dưới dạng một quả cầu lửa rơi xuống Trái Đất, nhưng không nhận ra nó là kẻ xâm nhập từ ngoài hệ Mặt Trời.
- 29-10-2022Thiên thạch khổng lồ sắp bay sát Trái đất, NASA đang theo dõi sát sao
- 19-10-2022NASA bắt được tín hiệu xuyên không từ thế giới 12,8 tỉ năm trước
- 17-09-2022NASA vừa tìm thấy 'báu vật' trên sao Hỏa: Giới khoa học vô cùng phấn khích!
- 15-09-2022Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn "vật vã" chưa thể trở lại Mặt Trăng?
Theo tờ Space , một cuộc nghiên cứu chi tiết bộ dữ liệu nhiều năm của Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA đã tiết lộ tiểu hành tinh từng bị cho là thiết bị công nghệ ngoài hành tinh Oumuamua không phải vật thể ngoại lai đầu tiên xâm nhập hệ Mặt Trời và tiếp cận Trái Đất.
Có một thứ bí ẩn khác, xuất hiện trước đó tận 3 năm, dưới dạng một sao băng rực lửa.
Dựa trên dữ liệu về quỹ đạo của vật thể vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 3, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi hai nhà thiên văn học nổi tiếng của Đại học Harvard - tiến sĩ Avi Loeb và tiến sĩ Amir Siraj - đã hoàn thành tính toán của họ về nguồn gốc của tảng đá không gian kỳ lạ.
Vật thể mang mã số CNEOS 2014-01-08, đi vào bầu khí quyển Trái Đất vào ngày 8-1-2014 với tốc độ siêu nhanh là 216.000 km/giờ và mang quỹ đạo rất khác thường.
Bằng cách mô hình hóa đường đi của tảng đá và cách nó tương tác với các hành tinh trong hệ Mặt Trời, các nhà thiên văn xác nhận rằng vật thể chỉ vừa mới đi vào hệ Mặt Trời.
Như vậy, nó là vị khách lạ đầu tiên đi vào hệ Mặt Trời mà nhân loại từng biết. Khác với các vật thể sau này như tiểu hành tinh Oumuamua hay sao chổi Borisov, CNEOS 2014-01-08 không đi ngang mà lao thẳng về phía Trái Đất.
Tuy nhiên dữ liệu quan sát của NASA cho thấy nó khá nhỏ, đường kính chỉ có 0,9 m và sau đó đã biến mất hoàn toàn giữa chừng, cho thấy rất có thể nó đã bị nung cháy trong bầu khí quyển của địa cầu, hoàn toàn "bốc hơi" và tan loãng vào khí quyển.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng những tảng đá không gian giữa các vì sao thậm chí có xác suất lao xuống Trái Đất tới 1 lần mỗi thập kỷ. Tuy nhiên cũng như các thiên thạch của hệ Mặt Trời, những tảng nhỏ sẽ không vượt qua nổi bầu khí quyển, nơi ma sát tạo ra nhiệt khiến nó bốc hơi như CNEOS 2014-01-08.
"Bằng cách ngoại suy quỹ đạo của mỗi thiên thạch lùi theo thời gian và phân tích mức độ phong phú tương đối của các đồng vị hóa học, người ta có thể so khớp các thiên thạch với cơ thể mẹ của chúng và tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành các hệ hành tinh" - các tác giả giải thích.
Phát hiện này cũng là một lời chứng thực cho giả thuyết sự sống đến từ bên ngoài hệ Mặt Trời. Hơn 3,5 tỉ năm trước hoặc lâu hơn, vị tổ tiên của chúng ta và muôn loài có thể đã được đưa đến Trái Đất non trẻ trên một tiểu hành tinh hay sao chổi như thế, nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra.
Nghiên cứu về CNEOS 2014-01-08 vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal.
NLĐ