MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vật vã ứng phó với 'bão' giá lợn

10-12-2019 - 07:59 AM | Thị trường

Giá thịt lợn trong nước cao chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người lao động khổ sở vì phải bớt phần ăn để ứng phó với giá thịt lợn tăng liên tục.

Giá thịt lợn đang cao nhất từ trước đến nay khiến cuộc sống của người dân Thủ đô đảo lộn. Anh Văn Hưng, công nhân xây dựng tại công trường quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Làm công nhân nên bữa trưa tôi ăn ở công trường nên chỉ còn bữa tối ăn ở phòng trọ. Bình thường, 3 người ở cùng tôi bữa tối chỉ mất khoảng 70.000 tiền thịt ba chỉ có thể ăn no. Từ lúc giá thịt lợn tăng cao, muốn ăn đủ, tôi phải mua với số tiền gấp đôi so với trước. Lương không tăng nên tôi chỉ còn cách cắt bớt phần ăn”.

Vật vã ứng phó với bão giá lợn - Ảnh 1.
Tại chợ Thành Công, giá thịt lợn cao nhất lên tới hơn 200.000 đồng/kg . Ảnh: N.M
Vật vã ứng phó với bão giá lợn - Ảnh 2.
 Giá thịt lợn tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, giảm bớt thịt trong bữa ăn khiến tiểu thương bán thịt buôn bán "ế ẩm". Ảnh: N.M

Chị Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân cho hay: “Lương chị thu nhập 9 triệu đồng/tháng cùng chồng là 12 triệu đồng/tháng nhưng đang phải nuôi 2 con nhỏ ăn học. Khi giá lợn tăng hơn 2 tháng nay tôi chịu khó đi chợ đầu mối sớm để được mua thịt giá rẻ hơn chút so với đi chợ bình thường”.

.

Vật vã ứng phó với bão giá lợn - Ảnh 3.
Chị Phương Nga (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi cầm 300.000 đồng đi chợ một bữa mà mua được ít thịt, ít rau đã hết tiền. Từ ngày giá lợn tăng, tôi cắt giảm bớt ăn thịt cho gia đình và thay bằng những thực phẩm tươi sống khác có giá rẻ hơn". Ảnh: N.M

Giá thịt lợn tăng khiến các quán ăn từ nguyên liệu thịt cũng tăng theo. Chị Thu Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Giờ cơm bình dân tăng từ 35.000 đồng/suất lên 40.000 đồng/suất; bánh mì thịt nướng từ 10.000 đồng/ổ lên 15.000 đồng/ ổ. Những nơi không tăng giá nhưng lại bớt thịt trong suất ăn đi".

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ dân sinh tại Hà Nội sáng 9/12, giá thịt lợn dao động ở mức 130.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại; riêng sườn non, lưỡi lợn giá đã tăng lên mức 180.000-200.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại một hệ thống cửa hàng thịt sạch lớn trên Hà Nội, giá thịt lợn đã được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, ba chỉ lợn giá 170.000 đồng/kg, chân giò rút xương giá 150.000 đồng/kg, nạc dăm lợn giá 180.000 đồng/kg, sườn thăn lợn giá 190.000 đồng/kg, sườn non giá 220.000 đồng/kg.

Với mức giá thịt lợn như hiện nay, nhiều người tiêu dùng so sánh giá thịt lợn tại chợ còn đắt hơn thịt ba chỉ bò Mỹ. Bởi, trên thị trường, ba chỉ bò Mỹ giá dao động chỉ từ 169.000-189.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi đang chạy khuyến mãi chỉ 149.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lợn hơi sáng 9/12 tại thị trường 3 miền tiếp đà tăng mạnh khi công ty chăn nuôi lớn CP tiếp tục điều chỉnh tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thị trường heo hơi phía bắc tiếp tục sốt trở lại và nhanh chóng vượt lên đỉnh 82.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Giá heo hơi hôm nay (9.12) ghi nhận tăng mạnh tại khu vực phía bắc, nhiều nơi đã xuất hiện mức giá 81.000 - 82.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… đồng loạt báo giá cao nhất lên tới 82.000 đồng/kg, tăng vọt so với tuần trước. Tại Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên cũng không kém, giá dao động ở mức 80.000 - 81.000 đồng/kg. Có giá thấp hơn từ 73.000 - 78.000 đồng/kg thuộc heo hơi tại Hà Nội, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái… Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trước đây tại thị trường phía bắc.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu mặt hàng thịt heo tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%.

Theo số liệu thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%.

Trường hợp thiếu thịt lợn, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. Việc tăng nhập khẩu thịt heo, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Trở lên trên