MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái: "Không cần phân biệt mèo trắng hay mèo đen"

Nếu đứng trên góc độ tài chính thuần tuý thì không cần phân biệt “mèo trắng hay mèo đen”, miễn Việt Nam có nguồn vốn để đầu tư và phát triển.

Không từ chối nguồn vốn của Trung Quốc mà nên thận trọng đàm phán là ý kiến của một số chuyên gia trong câu chuyện “vay 7.000 tỷ của Trung Quốc làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái”.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho biết: "Chúng ta có quyền lựa chọn vốn vay, vay Trung Quốc cũng là một nguồn nhưng những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới, các nhà đàm phán Việt Nam phải rất cẩn thận, khôn khéo".

Theo đó, Việt Nam cần cần xem xét trên các khía cạnh hiệu quả, lãi suất cho vay, tiến độ triển khai để cân nhắc lựa chọn.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm các sự án vay ODA có ràng buộc tổng thầu (EPC) để tránh điều kiện ràng buộc phải do tổng thầu Trung Quốc thi công, công trình Cát Linh – Hà Đông là một bài học.

“Hiện cũng có mấy chục công trình thực hiện theo hình thức EPC trong tình trạng dây dưa, không đảm bảo chất lượng. Theo tôi cần tiếp tục đàm phán và phải hết sức cẩn thận trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, cần xem xét dự án nào thực sự cần thiết và cần ưu tiên. Ngoài vấn đề tài chính còn là các yếu tố xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

Chúng ta không đặt vấn đề phân biệt đối xử. Nếu có lợi thì làm, không có lợi không làm, trong đó cao nhất là lợi ích quốc gia, chủ quyền và hai bên đều có lợi.” TS Lưu Bích Hồ nêu quan điểm của mình.

Còn PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định “Nếu đứng trên góc độ tài chính thuần tuý thì không cần phân biệt mèo trắng hay mèo đen miễn mình có nguồn vốn để đầu tư và phát triển”.

Do đó, theo PGS. TS Đặng Ngọc Đức, nếu điều kiện vay vốn (bao gồm lãi suất và những điều kiện lãi suất) không đến nỗi “nguy hiểm” thì cũng nên cân nhắc, điều quan trọng là cách thức tổ chức như thế nào. Ví dụ như là đấu thầu, liệu họ có cho thông thầu hay không, họ có đặt ra những điều kiện ràng buộc khác liên quan đến vấn đề mình tiếp cận nguồn vốn đó hay không hay lại đòi hỏi những giấy phép đặc biệt trong hoạt động đầu tư.

TS Đức cũng cho rằng dự án Cát Linh – Hà Đông là một bài học nhãn tiền Việt Nam cần ghi nhớ. “Nếu Việt Nam làm minh bạch, cẩn thận ngay từ đầu thì sẽ đỡ hơn rất nhiều” – ông cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông, người Trung Quốc rất khéo, lại khó đoán, nên Việt Nam khó lòng làm chủ được cuộc chơi.

Dù vậy, khi chốt lại câu chuyện vốn vay 7.000 tỷ này, TS Đức cho rằng nên vay, nhưng phải cực kỳ thận trọng trong việc ký kết, đàm phán và quản lý những khoản vay. Ông cũng đề xuất việc nên có một bộ cơ chế đặc thù khi vay vốn Trung Quốc như là điều kiện vay vốn, điều kiện hoàn trả, quy định khác về quản lý sử dụng…

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên