Vay ngân hàng 1 tỷ mua chung cư để cho thuê: Mỗi tháng thu 9 triệu nhưng phải trả ngân hàng gần 17 triệu
Tiền cho thuê không bù nổi tiền vay ngân hàng, nhưng Thảo và Hiếu vẫn cảm thấy quyết định đầu tư này là đúng đắn!
- 12-08-2024Nhờ 3 bí quyết này, cô vợ ở Hà Nội tiết kiệm được hơn 200 triệu khi mua chung cư
- 31-07-2024“30 tuổi, không đủ giàu để mua chung cư nhưng cũng chẳng đủ nghèo để mua nhà ở xã hội”
- 24-06-2024Chi 3,5 tỷ mua chung cư tầng 4, người phụ nữ tiếc vì không biết 4 điều này sớm hơn
Cuối tháng 3/2024, vợ chồng Ngọc Thảo (28 tuổi) và Trung Hiếu (31 tuổi) quyết định mua thêm 1 căn chung cư 1+1 ở Tây Mỗ (Hà Nội), có giá 2 tỷ đồng đã bao gồm phí sang tên sổ hồng.
Trước đó, vào cuối năm 2022, anh chị đã chốt mua đứt 1 căn chung cư 2 phòng ngủ rộng 75m2 ở Thanh Xuân (Hà Nội) mà không phải vay tiền ngân hàng. Đến hết năm 2023, cả 2 đã trả được hết số tiền vay người thân, bạn bè để mua căn hộ 75m2.
Vừa mới “thoát nợ”, cộng thêm việc đã có nhà để ở, nhưng Thảo và Hiếu vẫn không thể từ bỏ suy nghĩ mua thêm nhà, dù giá BĐS ở thời điểm ấy đang trên đà tăng chóng mặt.
Cắm sổ đỏ căn đang ở để vay ngân hàng 1 tỷ mua căn mới
Lúc quyết định sẽ mua căn hộ thứ 2, Thảo và Hiếu có trong tay khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt sau khi đã bán toàn bộ vàng cưới, cộng thêm 1 phần chứng khoán đang trên đà sinh lời.
“Thực ra nếu mình bán hết cổ phiếu để dồn tiền mua nhà thì sẽ chỉ phải vay ngân hàng khoảng 700 triệu, thay vì vay 1 tỷ. Nhưng sau khi so sánh tỷ suất sinh lời của cổ phiếu với lãi vay ngân hàng, thì mình quyết định giữ lại một phần cổ phiếu và vay ngân hàng 1 tỷ. Quá trình lên hồ sơ vay vốn và giải ngân cũng không có vấn đề gì, vì chúng mình cắm sổ đỏ căn đang ở để vay mà” - Trung Hiếu chia sẻ.
Để đi được tới quyết định này, Hiếu và Thảo cũng phải “đắn đo lên xuống” mất gần 3 tháng trời. Ban đầu, cả 2 định mua ô tô để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng cuối cùng, đam mê “tậu sổ đỏ” vẫn mãnh liệt hơn tất cả.
“Chúng mình có 1 em bé mới được 18 tháng, nên cũng tính chuyện mua xe ô tô. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì nhu cầu dùng ô tô của chúng mình không nhiều, nếu mua ô tô thì không phải vay ngân hàng, nhưng chưa kể tiền xăng xe, bảo dưỡng định kỳ thì mỗi tháng cũng tốn gần 2 triệu tiền gửi xe rồi. Mà trong khi đó nếu đặt xe công nghệ, cả nhà đi chơi tẹt ga, tháng nào về quê nữa thì cũng chưa tới 2 triệu tiền thuê xe.
Thế nên chúng mình chốt mua nhà, dù có vất vả và phải cố thêm 1-2 năm nhưng về lâu dài thì mình vừa có nguồn thu nhập thụ động, vừa có tài sản” - Ngọc Thảo chia sẻ.
Được biết, hiện tại, Ngọc Thảo và Trung Hiếu cho thuê căn hộ mới mua với giá 9 triệu/tháng. Trong khi đó, khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng rơi vào khoảng 17 triệu đồng.
Dù tiền cho thuê không bù được tiền trả ngân hàng, nhưng cả 2 vẫn cảm thấy quyết định mua thêm nhà là rất đúng đắn.
“Hiện tại giá căn 1+1 mà chúng mình mua đã tăng hơn 600 triệu rồi, thì tính ra là cũng không lỗ đâu, dù tiền cho thuê không đủ bù tiền trả ngân hàng thật. Mình không phải dân chuyên đầu tư BĐS, nên cũng không dám nhận định gì về thị trường này, chúng mình mua thêm nhà vì giờ kinh doanh khó, ngách nào cũng thấy rất rủi ro và tính cạnh tranh cao, chỉ có mua nhà là vừa có thêm tài sản, vừa có thêm nguồn thu nhập thụ động, mà đến lúc muốn bán thì cũng không sợ lỗ quá” - Trung Hiếu bộc bạch.
Trả nợ ngân hàng 17 triệu/tháng nhưng tháng nào cũng dư tiền tiết kiệm và mua vàng
Thu nhập ổn, vay mượn có tính toán, chi tiêu có kiểm soát nên dù đang phải trả ngân hàng gần 17 triệu/tháng, Ngọc Thảo và Trung Hiếu vẫn tiết kiệm được khoảng 20 triệu/tháng, đồng thời, tháng nào cũng mua 1 chỉ vàng.
Để làm được việc này, Trung Hiếu cho biết “công sức thuộc về vợ mình hết”.
“Có tiền mua căn nhà đầu tiên, rồi trả được hết nợ vay người thân, bạn bè; sau đó là tiền mua căn thứ 2, mình nghĩ là công của vợ mình là chủ yếu. Bản thân mình cũng đầu tư chứng khoán và quản lý tài chính cho doanh nghiệp, nhưng quản lý tài chính gia đình thì mình chịu. Nói ra không ai tin, chứ quản lý tài chính doanh nghiệp đơn giản hơn nhiều. Mọi thứ đều có dự trù, đều có công thức tính rõ ràng, chứ còn chi tiêu trong nhà thì nay đưa con đi chơi, mai con không may ốm phải nhập viện, chả biết quản lý thế nào vì quá nhiều thứ phát sinh” - Trung Hiếu chia sẻ.
Dù không tiết lộ mức thu nhập cũng như mức chi tiêu của gia đình trong 1 tháng, nhưng cả hai cho biết sau khi vay ngân hàng 1 tỷ, mà vẫn có tiền tiết kiệm, tiền mua vàng mỗi tháng, bản thân 2 vợ chồng cũng phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cá nhân.
“Như mình thì phải tiết chế lại việc mua quần áo cho con. Ai làm mẹ rồi chắc sẽ hiểu việc mua đồ cho con gây nghiện thế nào, cứ ngồi lướt Facebook 1 lúc có khi chốt đến 3-4 đơn tiền triệu chứ không ít. Rồi cả tiền làm nail, đi gội đầu, mình cũng hạn chế lắm. Phụ nữ có nhiều nhu cầu nên nếu tiết chế được thì cũng tiết kiệm được kha khá, mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cả nhà. Chứ đàn ông, sữa tắm cũng là dầu gội thì việc cắt giảm chi tiêu đơn giản hơn nhiều. Giờ mỗi tháng, mình chỉ cho mỗi người 3 triệu tiêu vặt thôi, mà có khi chồng mình chẳng tiêu hết, cuối tháng mình lại xin 500-700k” - Ngọc Thảo chia sẻ.
Phụ nữ mới