MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay tiền rồi nửa năm không trả, thất nghiệp bạn bè vẫn không tha

13-07-2023 - 21:46 PM | Sống

Có một số mẹo để mọi người tránh mất tiền oan cũng như những rắc rối không đáng có khi cho mượn tiền.

Dù thất nghiệp nhưng bạn bè vẫn mượn tiền

Hồng Nga (27 tuổi, Hà Nội) đang nghỉ ngơi khoảng 3 tháng sau một thời gian làm việc không ngừng nghỉ. Thời điểm này, cô bạn không có thu nhập và chi tiêu dựa trên số tiền tiết kiệm được trong thời gian đi làm trước đó. 

Thế nhưng 2 người bạn thân của Hồng Nga vẫn thoải mái tự nhiên mượn tiền như trước để phục vụ cho những mục đích không thuộc về nhu cầu cấp bách như là… đi chơi. Số tiền mượn không quá lớn - chỉ vài ba triệu đồng, Hồng Hạnh vẫn có thể cho vay. Cô bạn cũng biết bạn bè sẽ trả sau đó không lâu bởi vì đây cũng không phải là lần đầu tiên họ mượn tiền. 

"Song, điều khiến mình buồn là họ không hề để ý đến hoàn cảnh và cảm xúc của mình mà vẫn vay mượn như "thói quen", dẫn đến cảnh người đang có việc lại đi vay tiền người thất nghiệp. Hành động đó khiến mình tủi thân vì bạn bè thân thiết  nhưng dường như không hề quan tâm đến mình và đặt họ vào vị trí của mình để suy nghĩ. Trong lúc tiêu cực, mình đã cảm thấy như cái "máy rút tiền" của bạn". 

Trên thực tế, Hồng Nga chia sẻ rằng dù 2-3 triệu không phải khoản tiền lớn nhưng với một người đang không có thu nhập, việc cho mượn tiền dù là cho bạn bè thân thiết cũng mang đến rủi ro. Những bất ngờ có thể xảy đến như phải chuyển trọ gấp, ốm đau hay hỏng xe, cô bạn sẽ cần đến một khoản tiền lớn rất gấp. Và việc "phân tán" dòng tiền đi nhiều nơi sẽ rất khó để "đòi" lại nhanh chóng. 

"Sau khi bị hỏi vay, mình vẫn đồng ý nhưng đã nhắc họ thẳng thắn rằng mình không thoải mái tài chính như trước và cần trả sớm. Việc cho vay chỉ là chuyện nhỏ, nhưng có lẽ mọi người nên cân nhắc tinh tế hơn khi chọn đối tượng vay tiền", Hồng Nga chia sẻ. 

Vay tiền rồi nửa năm không trả, thất nghiệp bạn bè vẫn không tha - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Sau gần nửa năm từ ngày hẹn mới trả nợ

Với Hà Ngọc (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) vào khoảng tháng 5 năm ngoái, một người bạn học cùng cấp 3 đã mượn cô 5 triệu đồng. Cậu bạn hẹn cuối tháng 7 sẽ trả lại, tuy nhiên trên thực tế đến thời điểm đó vẫn không hề nhắc đến chuyện trả tiền. Vì đã quen biết nhau từ trước và 5 triệu không phải là một số tiền quá lớn nên cô bạn không nhắn tin hỏi trả. 

Cho đến trước Tết Âm lịch 1 tháng - tức là hơn nửa năm trôi qua, vì không muốn để khoản nợ đến năm mới, Hà Ngọc đã nhắn tin để hỏi về số tiền vay nợ. "Bạn ấy bảo với mình là quên mất nhưng lý do này thật khó để tin. Không phải điều căn bản khi đi vay nợ là phải nhớ rằng bản thân đang có một khoản nợ cần phải trả sao. Thời điểm đó, bạn ấy hẹn 15 ngày sau sẽ trả nhưng đến cuối cùng phải gần đến năm mới, mình mới nhận được khoản tiền 3 triệu". 

Hà Ngọc chia sẻ rằng đôi lúc rất ngại cho người quen mượn tiền, bởi đến khi nhắn tin nói chuyện về số tiền đó cảm tưởng như bản thân mới là người đi vay nợ. Thúc giục, hỏi han thật sự rất mất công sức cũng như tốn thời gian và còn ảnh hưởng đến tình cảm giữa 2 người. "Mình hạn chế cho mượn tiền, hoặc chỉ cho những người thật sự có chuyện quá gấp và có khả năng trả sớm luôn tuân thủ lịch hẹn. Chứ hẹn tháng 7 rồi đến tận tết Âm lịch mới trả nợ thật sự quá mệt mỏi". 

Cô bạn cũng cho rằng việc đi mượn tiền hay cho vay nợ cần phải tính toán thật kỹ càng. Có một số trường hợp thường gặp đó là không trả nợ, rất lâu sau mới trả nợ hoặc trả "tí tách" tốn thời gian. Đối với những người mới cho vay mượn lần đầu, dù có quen thân đến đâu cũng chỉ nên cho mượn những khoản tiền nhỏ thuộc dạng có mất cũng không sao. Với những người thường xuyên không trả đúng hẹn, hãy đừng ngại ngần mà nhắn tin nhắc nhở họ. 

Vay tiền rồi nửa năm không trả, thất nghiệp bạn bè vẫn không tha - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Như cây ATM rút tiền mặt của bạn 

Mai Chi (23 tuổi, Hà Nội) thích sử dụng tiền mặt thay vì quẹt thẻ hay mã QR vì như vậy giúp dễ kiểm soát chi tiêu. Song, bởi vì hiện nay hầu hết mọi người đều không có tiền mặt, cô bạn bỗng dưng trở thành cây ATM rút tiền của bạn bè và đồng nghiệp.  

"Gần như chiều nào mình cũng được đồng nghiệp bảo cho mượn 5 nghìn gửi xe. Song, sẽ có một số người quên trả và bởi vì đây là con số khá nhỏ, mình cũng ngại đòi. Bên cạnh đó, nếu không cho mượn, mình cũng ngại vì mọi người đều biết mình luôn có tiền mặt trong người". 

Sau một thời gian luôn bị mất vài nghìn hàng ngày như vậy, Mai Chi đã quyết định rằng mỗi khi ai mượn tiền gửi xe, hay dù chỉ mượn 1-2 nghìn, cô bạn luôn đề nghị cho mượn 20-30 nghìn. Bởi vì khi con số lớn như vậy, mọi người sẽ có ý thức trả tiền và bản thân Mai Chi cũng dễ dàng mở lời về số tiền đã cho mượn. 

Theo Tô Diệp

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên